Thursday, May 14, 2015

Nguyễn Hưng Quốc





Một Vài Cái Hay Cái Dở Trong Buổi Nói Chuyện Về
Cái Hay Trong Thơ Dở Và Cái Dở Trong Thơ Hay của Nguyễn Hưng Quốc
Hoàngdungdc  (July 8,2012)

Hôm nay dù thời giờ rất eo hẹp, tôi cũng cố gắng đến tham dự buổi  sinh hoạt Văn Học và  Âm Nhạc của Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc & Giáo Sư Hoàng Ngọc Tuấn, đến từ Úc Châu.  Đặc biệt với Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, người mà tôi thường theo dõi những gì ông đã viết từ bấy lâu nay.
Buổi nói chuyện do cở sở Cỏ Thơm & Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức, tại Jewish Community Center of Northern Virginia,vào ngày Chủ Nhật 8 tháng 7, 2012 - lúc: 1:30 pm
Tôi tới hơi trễ, chương trình đã bắt đầu, hội trường rất đông người, có lẽ hơn sự mong muốn của ban tổ chức. Trên sân khấu đã có mặt các văn nhân thi sĩ HồngThủy, Phan Khâm, Trương Vũ trong vai trò phụ diễn với diễn giả.  Người điều khiển chương trình là anh Phan Anh Dũng. Mọi người đã an vị và có vẻ sẳn sàng cho buổi nói chuyện nhiều hứa hẹn này.

Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc được mời phát biểu. Ông đã nói về đề tài : “Cái hay trong thơ dở và cái dở trong thơ hay”. Ông bắt đầu câu chuyện, rào đón trước sau với giọng khôi hài, nhưng khán giả chưa hưởng ứng vội.  Tôi chú ý tới giọng địa phương của ông.  Quả như ông đã từng cho biết, ông không thích giọng nói của ông. Tôi cũng vậy !
Đi vào đề tài, nội dung tuy không mới lắm, nhưng cũng nên nghe, ông rất uyên bác, ông giải thích rất cặn kẻ, với giọng điệu của một giảng sư, mong muốn người nghe hiểu thấu đáo. Tất cả mất 45 phút. Đúng thời lượng của một bài giảng trong lớp học.
Tôi thiết nghĩ, với đề tài đó, với phần nội dung đó, ông có thể tóm gọn lại trong vòng 15 phút, dành thời giờ cho các phụ diễn và khán giả đang ngồi chờ “ khai chiến”. Sau đó trong lúc “chiến đấu” ông vẫn có thể khai triển thêm ý trong bài ông vừa nói.  Đối thoại trực tiếp và ăn ý giữa diễn giả và những người phụ diễn, tung hứng nhịp nhàng sẽ làm cho đề tài sống động hơn, dễ nhớ hơn.
Nhưng rất tiếc, qua hơn 15 phút, tôi nhận thấy cả khán giả và những người phụ diễn đều đã bắt đầu “lo ra”, cho nên khi ông chấm dứt phần nói chuyện, thay vì sẽ cùng tung hứng với những người phụ diễn, thì chương trình lại chuyển hướng xuống khán giả. Khán giả được mời phát biểu và đặt câu hỏi. Vì thế cho đến lúc này, tôi và một vài khán giả tự hỏi “Không biết những người phụ diễn đang ngồi trên đó để làm gì?”

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích xung phong phát biểu trước theo chiều hướng của đề tài Nguyễn Hưng Quốc vừa nói, có nghĩa là nhấn mạnh thêm những điều ông đã nói rất rạch ròi trong 45 phút vừa qua. Tiếp theo có vài khán giả đặt một số câu hỏi bên lề. Câu hỏi đặt ra có vẻ hơi gay gắt(!). Lập tức người dẫn chương trình chuyển mục tiêu lên sân khấu, nơi có các người phụ diễn đang ngồi chờ.  Nhưng lại rất tiếc vì thời giờ không cho phép, vả lại còn phần phụ diễn văn nghệ đầy hứa hẹn sẽ do giáo sư Hoàng Ngọc Tuấn và một số đông nghệ sĩ địa phương phụ trách, mà khán giả đang chờ để thưởng thức, nên nhà văn Hồng Thủy và nhà Thơ Phan Khâm mỗi người đã phải vội đặt một câu hỏi có tính cách “chung chung” và đã được Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc trả lời một cách rất “huề vốn”.

 Còn một điểm cuối cùng nữa là dường như ban tổ chức đã không nghĩ đến việc giới thiệu đến độc giả cuốn “ Phản Tỉnh và Phản Biện” của Nguyễn Hưng Quốc mà thứ bảy tuần trước dù thời giờ eo hẹp, tôi cũng đã làm được một việc vô cùng lý thú... Câu chuyện như thế này:

Từ nhiều tháng trước nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình đã vui vẻ nói với tôi rằng:
 -Nguyễn Hưng Quốc sẽ từ Úc qua và sẽ có buổi họp mặt tại nhà Thanh Bình, Hoàng Dung nhớ tới chơi nha
Và tôi đã vô cùng nôn nóng mong cho đến ngày được gặp.
Chờ. . . ngày hẹn là thứ bảy 30 tháng 6, 2012 lúc 4 giờ chiều, thì. . . thứ Sáu trước đó một ngày, Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và các vùng phụ cận, Virginia và Maryland bị một trận cuồng phong đổ ập tới. Theo báo chí thì có tất cả gần 4 triệu người đã sống trong bóng tối của buổi tối, và sống trong nóng bức của buổi sáng. Không có điện, không có phone không có internet trong 4 ngày, quả là một sự kinh hoàng của thời buổi hiện đại này. Tôi chợt nghĩ “Nguyễn Hưng Quốc dữ dội quá, mang cả một trận cuồng phong tới”.
Sáng thứ bảy tôi có việc ra khỏi nhà, gọi thử Nguyễn Thị Thanh Bình không thấy trả lời, để lại lời nhắn 
- Thanh Bình ơi, có postpone Nguyễn Hưng Quốc lại không?
   Rồi cảm thấy buồn !

Vui quá, vài tiếng đồng hồ sau Thanh Bình gọi lại:
- Hoàng Dung nói gì lạ vậy, Thanh Bình mời sáu bảy chục người làm sao bỏ được?
Thì ra gần 4 triệu người không có điện, riêng nhà Thanh Bình vẫn có điện.
Tôi lại nghĩ “ Nguyễn Hưng Quốc này lạ thật!”
Như đã nói thời giờ của tôi rất eo hẹp, lúc đó đã hơn 4 giờ, tôi chỉ còn gần hai giờ đồng hồ dành cho Nguyễn Hưng Quốc. Tôi tính nhẩm từ chỗ tôi tới nhà Thanh Bình mất nữa tiếng, ở đó 60 phút và  sẽ trở về nhà đúng 6 giờ như đã hứa.
Nhưng ,“mưu sự tại nhân mà hư sự thì tại không có điện” khiến giao thông bị tắt nghẹn, thời gian tính của tôi  bị trật đường rầy. Còn một trở ngại nữa là tôi không nhớ địa chỉ của Thanh Bình, chỉ vì cái tội cái gì cũng ỷ lại vào “high tech”, công cụ tối tân định vị toàn cầu là cái GPS mà sáng nay vì vội quá tôi đã quên không mang theo. Tôi chỉ nhớ mang máng đường đến nhà Thanh Bình, kêu cứu bằng điện thoại thì không ai trả lời. Thôi thì cũng đành “ nhắm mắt đưa chân ” vậy! Tới đâu hay tới đó.
May quá Bạch Mai gọi lại chỉ đường một cách… không chính xác, nhưng tối thiểu cũng biết đó là đường: “Rose Land. Nhà đẹp như một công viên ngay đầu ngỏ”.

Thời gian của tôi không còn nhiều, nhưng cứ đi, sao đi mãi mà không thấy Rose Land thế này?  Tôi thấy Lee Chapel. Ôi thôi !!! Hình như đi xa quá rồi.  Mất kiên nhẫn, tôi quay đầu xe trở về. Nhưng… còn lời hứa với Thanh Bình? Còn Nguyễn Hưng Quốc mà tôi muốn “thấy” thì sao?  Không được, tôi quay đầu xe trở lại tiếp tục đi. Nhưng… còn lời hẹn có mặt ở nhà lúc 6 giờ chiều thì sao? “U turn” rồi lại “U turn”…Thật khó mà tin là tôi đã lập đi lập lại như thế tới 4 lần.  Cuối cùng thì tôi quyết định sẽ không ngó đồng hồ nữa, sẽ đi đến khi nào thấy “ Rose Land” mới thôi...
Ơ kìa! Thật lạ lùng trước mắt tôi là Rose Land. Tôi quẹo vào sân lúc 5:55 phút. Vào nhà, chưa có mấy ai đến. Chị Hợi phu nhân của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, triều mến nắm tay tôi, tôi cầm lên cuốn “Phản Tỉnh Và Phản Biện” của Nguyễn Hưng Quốc, mọi người nói:
 - Hoàng Dung mở hàng đó nha, chắc đắt hàng lắm đây. 
Nguyễn Hưng Quốc đang cùng mọi người ngồi ngoài hiên trong một buổi chiều xanh mướt.
Tôi đến đứng sau lưng xin chữ ký.
 - Chị tên gì? 
 - Thưa Hoàng Dung
Nguyễn Hưng Quốc nghiêng nửa người ngoái lại nhìn tôi nói:
 - Chị còn trẻ, tôi chỉ ghi tên thôi nhé  (nghĩa là không có chữ chị đằng trước cái tên)
Tôi muốn nói với Nguyễn Hưng Quốc rằng:
  - Tôi nhỏ hơn tuổi thật của anh và lớn hơn tuổi trên giấy tờ của anh.
Tiện thể GS Hoàng Ngọc Tuấn cũng tặng cho tôi chữ ký của ông bên cạnh đó. 
Tôi lập tức rời khỏi mọi người. Về đến nhà lúc 6:15 chiều. Trể 15 phút!
Tối đó, trong không gian tối đen và nóng bức, tôi đã thắp nến đọc tác phẩm của anh.  Dưới ánh nến leo lét, câu chuyện dài 360 trang đã cuốn tôi mất hút vào trong đó cho đến khi không cần ánh sáng của ngọn nến nữa.
Vậy mà trưa nay, tôi hơi thất vọng!





Hình ảnh: Hoangdungdc



No comments:

Post a Comment