Sunday, August 9, 2015

Về…..

Picture: Christina Hoang




1.
Tôi ngồi co rúm lại, rút cả hai chân lên trên chiếc ghế xếp được đặt giữa nhà, cả con người tôi cứ cảm thấy ớn lạnh, tim đập thình thịch. Còn con chuột "khốn khiếp" với hai con mắt đen lay láy, thì cứ chạy thoăn thoát trên cái sườn nhà lợp bằng lá mà má tôi đang ở.
Đời tôi sợ nhất là chuột, vậy mà Trời ơi! Mắt không nhìn mà cứ thấy nó, nỗi ớn lạnh cứ bám lấy tôi hàng ngày, suốt trong ba tuần lễ tôi trở về với má của tôi.
Ba má tôi được chị em chúng tôi bảo lãnh qua Mỹ được gần một năm thì ba tôi mất. Má tôi ráng ở thêm chín năm nữa với chúng tôi cho trọn tình mẹ con, rồi đòi trở lại Việt Nam để gần bà con họ hàng. Vui sống được gần hai năm thì bà bị đột quỵ.
Mấy đứa tôi nghe tin, liền tức tốc bay về, cũng chẳng cứu vãn được gì, chỉ còn biết kề cận với má tôi được chút nào hay chút nấy.

Về....mới biết cuộc đời sao mà có lắm cảnh tang thương quá thế. Không cần nhìn đâu xa, ngay bên cạnh tôi đây, ông anh Xuân của tôi đang ngồi trên một chiếc võng, thân võng thõng sát xuống mặt đất. Anh thì ôm o gầy mòn, lưng còng như gập lại làm đôi, hai đầu gối chống lên đến mang tai, mắt thì đã lòa vì nghiện rượu lâu năm. Khi nghe tin anh ra nông nỗi, mỗi tháng tôi gởi tiền về nhờ vợ chồng anh Thu thay tôi, nấu nướng chăm sóc cho anh. Hôm nay trở về tận mắt trông thấy, thật đau lòng xót dạ quá sức.
Tới giờ cơm trưa, chị Thu mang ra một tô cơm đã trộn sẳn đặt cái cạch dưới đất trước mặt anh. Bỗng đâu xuất hiện một con chó mực, nó phóng tới chỏ mõm vào tô cơm của anh, không một chút ngạc nhiên hay giận dữ anh nhẹ nhàng dùng cánh tay gạt nó ra, nhưng nó cũng đã đớp được một miếng rồi. Thế là hai bên cứ giằng co, anh đẩy nó ra nó cứ len vào, chỏ cái mõm gớm ghiếc của nó vào tô cơm đớp thêm miếng nữa rồi miếng nữa, tôi nhìn thấy cảnh đó mà kinh hoàng.
Tôi vội la lên:
-       Trời ơi! sao không dọn lên bàn cho anh Xuân ăn đàng hoàng, mà lại để như vậy, thật không thể tưởng tượng nổi!
Chị Thu vội phân trần:
-       Tại anh Xuân muốn như vậy, ảnh nói con chó là bạn của ảnh, mỗi buổi đều cùng nhau ăn cơm, buổi tối cùng ngủ với nhau, anh muốn đi đâu nó sẽ dẫn anh đi. Bấy lâu nay đã thành thói quen.

À ra là thế, có lúc con chó còn thân thiết hơn con người.
Trở về !!
Con chuột làm tôi lạnh xương sống, con chó làm tôi chảy nước mắt, còn con người chung quanh khi tôi trở về thì sẽ khiến tôi như thế nào đây?
Bạn hãy trả lời dùm tôi, bạn nhé.


2-
Tôi đang ngồi ăn bánh xèo ở Đinh Công Tráng, bên hông nhà thờ Tân Định. Mọi người cười cười, nói nói, ăn uống rần rần...tiếng người tiếp viên la lớn, cho bàn này hai cái bánh xèo, bàn kia bốn con tôm nướng, bàn này thêm rau, bàn kia thêm ớt…  um xùm trời đất cả lên, lúc đó tâm hồn đâu mà còn nghĩ đến “chiến tranh hay hòa bình”.
Bỗng nghe tiếng rồn rột bên tai, tôi ngừng ăn ngước mắt lên nhìn. Tôi trông thấy một người đàn ông, cụt hết cả hai chân gần tới háng, ông ngồi trên một miếng gổ vuông nhỏ, bên dưới có 4 bánh xe, ông dùng hai tay chống xuống đất, di chuyển chổ này chổ kia thật tiện lợi. Trên cổ ông đeo một bịch to chứa những cuốn sách.
Thấy tôi nhìn, ông vội “sàng” đến bên chân tôi, lanh lẹ gở cái túi từ trên cổ xuống, mời tôi mua sách. Những cuốn sách trước 75 tôi đã từng đọc, nay được in lại trông xấu xí làm sao. Tuy vậy tôi cũng muốn mua giúp ông, tôi lựa đại vài cuốn và trả tiền, xong tôi nói cảm ơn. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên và nói với tôi rằng:
-      Sao cô lại cám ơn tôi, tôi phải cám ơn cô mới đúng chứ.

Trái tim tôi bỗng nặng trĩu, tôi ứa nước mắt và nói với ông rằng:
-       Ông đem sách tới tận nơi bán cho tôi, thì tôi cảm ơn ông là phải rồi, còn ông cảm ơn tôi vì tôi mua sách dùm cho ông cũng phải luôn, vậy chúng ta cùng cảm ơn nhau nhé.
Ông cười, tôi cũng cười. Tôi tiếp tục ăn bánh xèo, thấy ngon hơn khi nãy.

3-
Đang đi “tìm lại phố xưa”, có một bà cụ chận tôi lại mời mua vé số. Tôi lựa lựa vài xấp, hỏi bao nhiêu rồi trả tiền. Mua xong tôi tặng lại cho bà. Bà tỏ vẻ không bằng lòng và nói với tôi rằng:
-       Tôi bán vé số, chứ không phải ăn mày.

Tôi vội vuốt ve bà:
-      Cháu không có ý đó, vì cháu ở xa về, không biết chừng nào xổ, để mà dò, thôi thì bà giữ lấy dò dùm cháu vậy mà.
Nghe thế bà mới hơi nguôi nguôi và cầm lấy mấy tập vé số tôi tặng bà.
Tôi thật không phải !!!
Tự dặn lòng mình: Không phải điều gì mình cho là hay thì nó sẽ hay.

4- 
Buổi tối, hơi khuya nhưng chưa buồn ngủ, chúng tôi ở khách sạn Ninh Kiều, Cần Thơ. Rủ nhau ra bến Ninh Kiều dạo chơi. Dạo chơi nên chúng tôi không có “lận” theo đồng nào.
Có một bé gái, đứng quá đầu gối tôi một chút, trông nó chừng năm tuổi, em vẹo người “mang” một cái rổ bên hông to hơn em gấp đôi, nặng trĩu. Em mời tôi mua đậu phọng luộc. Tôi vội ngồi thụp xuống, ngang tầm mắt với em, tôi hỏi em với giọng hốt hoảng như đang nói với con mình:
-      Con mấy tuổi, sao giờ này còn lang thang ngoài đường, ba má đâu mà con phải đi bán đậu phọng khuya lơ khuya lắc như thế này, thật nguy hiểm quá.
Em trả lời tôi:
-      Con mười tuổi, ba má con đang đánh bài ở nhà, con mà không bán hết rổ đậu phọng này, mà mò về thì con sẽ bị đòn chết luôn.
Tôi sờ vào túi mình không có đồng nào. Đành nhìn em bỏ đi mất hút. Không biết em sẽ làm sao bán cho hết đêm nay, rổ đậu phọng luộc còn nặng trĩu kia, để khỏi bị đòn.
Tôi chợt nghĩ tới con gái của tôi năm nó 18 tuổi, nó gọi điện thoại vào sở nói với bố nó rằng:
-      Bố ơi, con muốn ăn French Fries, con vặn cái deep fry như thế nào hả bố?
Ông chồng tôi đang đầu tắt mặt tối ở sở làm, hốt hoảng la lên rằng:
-      Đừng! đừng ! con đừng làm gì cả, bố sẽ về sớm chiên French Fries cho con ăn.
Tôi thấy ông Trời hơi bất công.
Sáng hôm sau trước khi rời Cần Thơ, tôi chạy vội ra bến Ninh Kiều, cố tìm mà không thấy em đâu. Tôi thấy mình ngớ ra. Đã nhiều năm, em bây giờ ra sao rồi hởi em.

Hoangdungdc 





Picture:  Christina Hoang