Friday, November 16, 2018

Thèm Đất

Sàigon xe cộ chi chít (photo HD)




Thứ Sáu 11 tháng 8/2018

Nhân tiện chia sẻ với anh, em sẽ giữ làm "ký" luôn.

Bốn ngày rồi, em vẫn đang bị "jet lag" nên cứ ngủ li bì giờ giấc trật đường rầy...
 
Chuyến đi này như anh đã biết là đặc biệt dành cho người em thứ Tư của anh Hai nhà em.
Chú Tư sau khi phát giác là mình bị bệnh nan y ở thời kỳ cuối, chú ấy có một ước muốn cuối cùng là: Mong được gặp lại tất cả các anh chị em của mình thêm một lần nữa. Những người anh em ruột thịt mà chỉ mới tìm thấy được nhau cách đây ba năm, chưa kịp thân thiết thì nay đã phải chia lìa.
Chắc tới đây không mấy ai là không thắc mắc, anh em nào mà chỉ mới tìm thấy nhau cách đây ba năm.
Đó lại là một “thiên tình sử” khác, em sẽ kể cho anh nghe trong câu chuyện “Tại Duyên” sau vậy.
Kỳ này tụi em quyết định là sẽ về VN ở hẳn hai tháng vì không biết tình trạng sức khoẻ của chú Tư như thế nào. Chỉ sợ hoặc là không kịp, hoặc là hết hạn ở lại, khi đi về rồi thì chú ấy mới ra đi.
Thôi tùy duyên vậy, tuy nhiên em lúc nào cũng có linh tính rất chính xác, mong rằng lần này em cũng có dự tính không sai.
Cô em chồng của em là cô Năm mà anh đã biết, dành hẳn cho tụi em một căn nhà ở ngay trung tâm thành phố Sàigon nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng chỉ cách Đài Truyền Hình mấy con đường. Cô ta còn cẩn thận mời ông anh Cả từ Cần Thơ lên ở, để anh em được gần gũi, nhưng rất tiếc anh Hai nhà này lại thấy không thoải mái tí nào, vì đã có ấn tượng không hay về ông anh Cả từ bé...(lỗi của ai đây!)
Ngay hôm đầu tới Saigon, mấy anh em đã vội dắt nhau đi Thủ Đức thăm chú Tư người em bị bệnh, tình trạng của chú ấy đã rất tệ...không biết Chúa định ra sao?
Còn phần anh Hai nhà em trông bậm trợn như vậy chứ tâm lý rất mỏng manh dễ vỡ. Bổn phận của em là làm sao cho cân bằng mọi chuyện, cho nên cũng hơi “căng”.

Vậy nha lúc nào hứng em lại viết tiếp...



Thứ Bảy 12 tháng 8/18

Trời Sàigon mùa này, sáng nắng chiều mưa khí hậu có vẻ ôn hòa nên cũng dễ chịu.
Ngoài đường thì xe cộ tràn ngập nên tụi em rất ngại đi đâu. Ngoài hai ba buổi ra ngoài ăn hàng, đi thăm chú Tư thì giờ còn lại chỉ ôm cái cell, check mail rồi lại ngủ.
Anh Hai nhà em, thì tâm tư cứ vướng mắc ông anh Cả lại càng không muốn đi đâu.
Ông anh Cả ra dáng nghệ sĩ tóc tai để dài, nhưng vì đã có tuổi nên trông cứ bồm xồm bê bối thế nào ấy, không hợp nhãn, cũng không hợp nhĩ!
Anh ấy lại có ý sẽ cùng "chung sống" với tụi em tới cuối cuộc hành trình.
Ôi...ô hô...a..ha.. em phải làm gì đó mới được. 
Thôi để hạ hồi phân giải, theo em đi rong nha.
Chỉ cần ra tới đầu ngõ thì tứ bề là quán ăn, không một mặt tiền của một nhà nào mà để trống, không hàng này thì quán nọ. Băng qua bên đường có ngay quán hủ tiếu Nam Vang, một tô chỉ có 45 ngàn, hủ tiếu khô hủ tiếu nước gì cũng ngon cả. Ngay bên cạnh là quán Đậu Rán Mắm Tôm, Bún Riêu. Quẹo tay phải là Mì Quảng Mỹ Sơn, tuy được gọi là mì nhưng thực chất là bột gạo tráng ra cắt sợi như bánh phở, mì được tráng tại chỗ nên rất mềm dẻo thơm ngon.
Kèm theo đây cái hình xem cho biết nha.


Mì Quảng Mỹ Sơn ( ngoài đầu ngõ /HD)





Chủ nhật 13 tháng 8/18

7:30 sáng, Hoan chồng của cô Năm cho xe đến đưa cả nhóm gồm 6 người đi ăn "Phở Việt Nam". Hoan nói tiệm phở này dành cho Việt Kiều nên mới có cái tên như vậy, chứ ở đây thì phở nào mà chã phải là phở Việt Nam!
Hoan nói thế  là vì em cứ nhất định đòi đi cho bằng được, cũng bởi vì mấy anh chị ở bên Mỹ đi VN về cứ  luôn mồm khen ầm lên là bánh phở ở đó tươi, làm tại chỗ và rất thơm ngon, nhưng... ngoài bánh phở rất tươi ra thì “sorry” em thấy nó cũng làng nhàng vậy thôi.
Ôi, những tô phở thơm ngon của những ngày xa xưa cũ đâu rồi nhỉ! 

Mọi người ăn xong khoảng 8:30, ghé nhà thờ Gò Vấp để viếng tro cốt bà cụ Hằng (mẹ của mấy anh em) và chồng của bà là ông cụ Thành. Sau đó trực chỉ Thủ Đức thăm gia đình chú Tư.
Chủ nhật thiên hạ không đi làm mà sao xe cộ vẫn cứ ngập tràn. Ra được tới xa lộ thì đỡ một chút, vì đường được phân ranh ra làm hai, xe hơi chạy một bên, xe gắn máy chạy một bên riêng biệt. Nhưng khi xe bắt đầu quẹo vào quận lỵ Thủ Đức thì lại đen nghẹt. Thiên hạ đi đâu mà đông dữ vậy ta?
À, đi nhà thờ.
Tới được bên dưới căn chung cư của nhà chú Tư thì đã thấy chàng ta đứng đợi cùng cô vợ trẻ của chú tự bao giờ. Mặt mày chú hớn hở, cười toe toét mặc dù đang rất mệt vì đang mang trọng bệnh.
(Cô vợ nhỏ hơn chú Tư khoảng 30 tuổi, có một đứa con gái riêng, sẽ mỗ xẻ chuyện này sau)
Thế là xe đã có sẵn 7 người, dồn thêm 2 người là 9, “no problem”vì ở VN mà, ở Mỹ thì bị phạt là cái chắc.  Lại chở nhau chen chúc giữa rừng xe cộ, nhíc từng chút một để tìm đến các nhà thờ trong vùng, để cùng cầu nguyện, mong ơn trên đoái hoài đến chú Tư người anh em của chúng ta.
Sẵn có đầy đủ anh em, chú Tư muốn mời tất cả đi nhậu, tiện thể muốn ra mắt cô vợ trẻ mà chú đã yêu thương, chung sống suốt tám năm qua mà đại gia đình chưa hề quan tâm tới.
Hoan khôi hài tuyên bố:
-    Vậy thì buổi tiệc hôm nay kể như là ăn mừng Đám Cưới Nhôm đi nha… ha..ha..
-      Tại sao lại gọi là Đám Cưới Nhôm?
-     Thì 25 năm người ta gọi Đám Cưới Bạc, 50 năm là Đám Cưới Vàng, thì 8 năm không là Nhôm thì gọi là gì ha…ha..




Thứ Hai 14/8/2018

Thèm Đất !
Anh có bao giờ nghe ai nói tới hai chữ này chưa?
Vừa nghe chú Tư buột miệng nói "thèm đất" cô
Năm nhà mình lập tức vỡ òa, bưng mặt tấm tức tinh thần suy sụp, trở về khách sạn nằm bẹp, nửa đêm thì bị "làm băng" rồi sốt cao, khiến Hoan phải chạy đôn chạy đáo tìm mua thuốc, tìm bác sĩ …Úi chời.

Chuyện là vầy:
Ông anh Cả nhà này thì ai cũng biết là tính tình rất vui vẻ vô tư, anh ấy đã rất hào hứng vẽ ra nhiều chương trình đi chơi thật hấp dẫn và bảo rằng sẽ đưa hai đứa em đi thăm thú khắp cả miền Đồng Bằng Sông Cữu Long vì nghe nói tụi em sẽ về ở chơi tới hai tháng. (tất nhiên là do tụi em đài thọ)
Càng nghe ông anh Cả nói, anh Hai nhà mình càng bị dị ứng...nên hôm nay tiện thể em đành phải nói với ông anh Cả rằng:
-      Tụi em về đây mục đích chính là để thăm nom chú Tư. Chú ấy đau ốm bệnh hoạn như thế, lòng dạ nào mà tụi em đi chơi cho được. Thứ hai này tụi em sẽ theo anh về Cần Thơ, thăm chị và các cháu. Sau đó anh cứ ở nhà chăm sóc chị, cần gì thì tụi em sẽ gọi anh chạy lên.

Anh Cả nghe em nói thế thì mất cả hứng, nhưng cũng đành chịu chứ biết làm sao bây giờ.
Thế là sáng sớm thứ Hai khoảng 8 giờ, Hoan lại cho xe tới đưa mọi người đi Cần Thơ thăm gia đình ông anh Cả, tiện thể đưa anh ấy về luôn.
Cô Năm bị say xe, cho nên tới Cần Thơ phải check in vào ngay khách sạn TTC (Thật Thành Công) cho cô Năm và mọi người nghỉ ngơi. Khách sạn 4 sao nằm ngay Bến Ninh Kiều thuộc loại sịn, dự định sẽ ngủ lại Cần Thơ một đêm. 
Sau khi Cô Năm tỉnh hồn, khoẻ khoẻ một chút thì mọi người lại cùng lên đường trực chỉ Ô Môn nhà ông anh Cả cách đó 35' để thăm gia đình anh Cả và ăn trưa.
Tới nơi được bà chị dâu Cả và các cháu đãi một bữa toàn cá là cá, rất ngon. Nào là cá Lóc chiên xù gói rau sống chấm mắm nêm. Mắm Thái cuốn bún, thịt ba rọi và rau sống. Cơm thì ăn với canh chua cá lóc, cá cơm kho tiêu, cá bóng chiên dòn, lươn xào xả ớt.
Em biết thân nên đã uống thuốc ngừa đau bụng trước khi ăn, cũng không giám ăn nhiều, vậy mà ăn xong vẫn thấy khó chịu trong người, có lẽ mệt vì say xe thì đúng hơn. Ngồi một lúc mọi người xin kiếu trở về khách sạn, hẹn 7 giờ sẽ trở lại ăn tối.
Dĩ nhiên không thể thiếu mục biếu xén anh chị, con cháu mỗi người một ít. Không mang quà nặng nề, thì tiền vậy.
Bảy giờ mọi người trở lại được đãi món lẩu riêu cua do thằng cháu trai nấu, cũng rất ngon.  Ăn xong mọi người đề nghị “live stream” cho chú Tư để mọi người cùng thăm hỏi. 
Khi nhìn thấy chú ấy xuất hiện trên cái màn ảnh nhỏ của cái điện thoại cầm tay của cô Năm thì mọi người điếng cả hồn. Trời ơi, sao mà xanh xao, vàng vọt, ốm o, gầy mòn mắt mũi thâm quầng, trông thảm thương đến như thế cơ chứ.
Có lẽ vì hậu quả của ngày hôm qua, vì chú ấy đã dùng hết sức lực để cùng đi nhà thờ, cùng đi ăn nhậu, cười nói với mọi người và để cùng cô vợ trẻ ăn mừng "Đám Cưới Nhôm" để rồi hôm nay không còn một tí sinh khí nào nữa cả.
Chú Tư hỏi không ra hơi:
-      Chị Cả đãi mọi người những món gì?
Mọi người hào hứng kê khai các món ăn và hỏi chú có thèm không? chú Tư buông một câu:
-      Tư không thèm ăn, chỉ thèm đất!
Mọi người nghe mà cảm thấy sững sờ, còn riêng cô Năm thì không còn nén được nữa rồi, cô ôm chặt lấy mặt cố không khóc mà không được!
Tối về khách sạn cô Năm bị ốm nặng, ngày hôm sau không đủ sức trở về Sàigon như dự định, có lẽ phải ở lại Cần Thơ thêm một vài hôm nữa.

Thèm đất là thế đấy anh ạ.




 
Cần Thơ về đêm (photo HD)



Thứ Ba 8/15/18  

Ngưi chng tuyt vi.


Cô Năm đổ bệnh cho nên tất cả cùng ở lại Cần Thơ, chưa biết sẽ là bao lâu, mọi người trong tình trạng “stand by”, tụi em thì không có vấn đề gì vì ở đâu cũng thế thôi.
Buổi sáng khách sạn bao ăn sáng, có đủ món Tây lẫn món Ta khá ngon miệng. Ăn xong tụi em đi dạo lanh quanh ở Bến Ninh Kiều, em muốn đi chợ nổi xem sinh hoạt buôn bán rộn rịp như thế nào, nhưng bàn qua tán lại giờ giấc không thuận tiện nên lại thôi.
Từ Cần Thơ lái xe về Sàigon chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ, nhưng Hoan muốn đưa cô Năm về bằng máy bay, nhưng CầnThơ không có “direct flight” .
Muốn thì phải bay xuống tận Phú Quốc rồi mới đổi máy bay về Sàigon. Thời gian chờ đợi, đi tới đi lui sẽ mất khoảng 10 tiếng đồng hồ, nhưng Hoan nói:
-      Tuy lâu nhưng sẽ nhẹ nhàng êm ái hơn, Năm sẽ không bị mệt.
Úi chời, có ông chồng nào tuyệt vời hơn Hoan không nhỉ. Vậy mà không hiểu sao, em với cô Năm là chị dâu em chồng, cũng mới chỉ hai lần hội ngộ, thời gian ở bên cạnh nhau rất ít ỏi, không có cơ hội hàn huyên tâm sự với nhau nhiều, chưa đủ hiểu cá tính của nhau, vậy mà cô Năm không ngần ngại đã nói với em đủ hai lần rằng:
-      Anh Hoan là người tốt cho nên anh ấy mới tốt với em chứ không phải vì yêu em mà tốt với em đâu.
-      Ý cô là sao, cô muốn nói gì cô Năm?
-      Ý em là anh ấy vốn là người tốt, thấy em gặp nhiều khó khăn, khổ sở quá nên mới lấy em, chứ không phải vì yêu em mà lấy em. Em nghĩ nếu anh Hoan gặp bất cứ ai đó có hoàn cảnh khó khăn khổ sở giống em thì anh ấy cũng sẽ lấy người ấy, anh Hoan lấy vì tội nghiệp chứ không phải là vì yêu em.
-      Sao cô Năm lại rắc rối thế nhỉ? có vẻ như chưa biết tình yêu là gì! 

Rất tiếc, hôm đó Hoan không tìm ra chuyến bay nào thích hợp để có thể đưa cô Năm về Sàigon như ý muốn. Cuối cùng nghe lời bác sĩ khuyên, Hoan đưa vợ vào bệnh viện Hoàn Mỹ tại Cần Thơ tiếp nước biển cho đở mệt vì đã 2 ngày rồi cô ấy sốt li bì không ăn uống gì được!
Thế là tụi em ở Cần Thơ tất cả là ba ngày hai đêm, đi về bằng xe nhà mất hơn năm tiếng đồng hồ. Anh Mã tài xế đã theo Hoan đi đó đi đây suốt 24 năm trời, nên rất biết phải chạy xe như thế nào cho cô Năm và mọi người được thoải mái nhất. 
Em tò mò hỏi anh tài xế:
-       Anh Mã theo anh Hoan lâu như vậy, có bao giờ anh thấy anh Hoan nổi nóng không?
Anh ta không một chút do dự trả lời ngay lập tức:
-       Dạ không.
Em quay qua hỏi cô Năm:
-      Hoan có hay nổi dóa không cô Năm?
Cô ấy cũng không một chút do dự trả lời:
-       Một năm một lần, có năm không có lần nào.
Ôi, thật thế sao! 

Hèn gì nghe cô Năm cứ bắt chước chị Ba của mình gọi chồng là "anh Tiên" vì chồng của chị ba cũng hiền như “Bụt” nên được gọi là anh Tiên. Thế là đại gia đình này có tới hai ông Tiên, nhưng Hoan nói:
-      Anh Tiên của chị Ba đáng nể hơn nhiều. Hôm nọ tôi và con gái qua Đức thăm anh chị Ba, mọi người rủ nhau đi Shopping. Tôi và anh Ba đứng bên ngoài đợi hai bác cháu đi Shopping, đợi hơi lâu tôi mất hết kiên nhẩn bèn rủ anh Ba qua bên đường vô quán cà phê ngồi đợi, anh Ba lắc đầu nói ”thôi bỏ đi uống cà phê bả ra không thấy thì đâm phiền”. Tui lại đề nghị “vậy mình đi vào trong tìm hai người họ” anh ba lại nói “Thôi vào trong đó tìm, bả lại nói tại sao hối”!
-      Úi chời thật là “bó tay”.

Về tới Sàigon thì nghe tin chú Tư đã lại nhập viện, tay chân sưng húp không còn đi đứng gì được nữa.
Cô vợ trẻ của chú ấy quyết định xin nghỉ dài hạn công việc đang làm để tình nguyện ở nhà chăm sóc cho chú ấy. Cô cho biết xin nghỉ như thế cô có thể bị mất việc, vì thời buổi này xin được một công việc ổn định đâu phải là dễ, và đó cũng là công việc sẽ bảo đảm cho tương lai của cô và con gái của cô về sau này, sau khi chú Tư đã ra đi. 
Quyết định đó khiến cô Năm, cô con gái và cậu con trai của chú Tư rất cảm kích.
Kể ra cuối đời mà được như chú Tư, có người vợ trẻ yêu thương chăm sóc cho mình hết lòng thì quả là tốt phước.
 
Ngày mai ta lại đi thăm chú ấy nữa nha!!



Thứ Tư 8/16/2018   

Con gái của chú Tư

Hôm nay em có dịp gặp Trâm con gái của chú Tư. Trâm nghe có hai bác ở Mỹ về thăm bố, nên ghé qua gặp hai bác. Trâm là con của người đàn bà thứ hai đi qua cuộc đời của chú ấy và đã bỏ lại.
Con bé Trâm năm nay đã được 30 tuổi, nhỏ nhắn xinh xắn, nói năng lễ phép, con bé dẫn dắt câu chuyện rất duyên dáng. Trâm làm nghề cố vấn sắc đẹp, đại diện cho các thẩm mỹ viện ở Hàn Quốc và ở cả Việt Nam.
Ai có nhu cầu sửa sang sắc đẹp, Trâm sẽ cố vấn hướng dẫn tận tình, đưa qua tận Hàn Quốc để thực hiện các cuộc giải phẫu. Chi phí từ 10 đến 50 ngàn đô la, cô được hưởng 20% huê  hồng.
Để khách hàng có thêm phần tin tưởng cô cũng đã thực hiện các cuộc giải phẫu trên khuôn mặt của mình, trông rất đẹp và rất tự nhiên thoải mái.
Kể về mình, cô cho biết:
-      Mẹ cháu đã chết từ khi cháu mới được mấy tháng tuổi (nghe kể vì chú Tư không chịu chính thức cưới hỏi, nên cô ta đã nghĩ quẫn mà tự tử đưa đến cái chết tức tưởi để lại đứa con gái bé bỏng, cả hai bên nội ngoại không ai màng tới)
May sao có hai vợ chồng dưới quê không có con nhận nuôi. Trâm tâm sự:
-      Nghe nói thỉnh thoảng bố cháu cũng có chu cấp cho ba má nuôi cháu một ít tiền. Sau nhờ vía của cháu sao đó, ba má nuôi của cháu đã sanh được một bé gái, cho nên cháu kể như có một đứa em gái. Đến năm 15 tuổi cháu được bố cháu mang về cho cô Năm nuôi, cho ăn học đàng hoàng. Dầu sao thì cháu cũng rất thương bố cháu, hai bố con rất thân thiết, cái gì cũng chia sẻ, kể cho nhau nghe như hai người bạn chí thân. Một chút nữa đây cháu sẽ vào bệnh viện thăm bố cháu, chắc không cầm lòng được cháu sẽ bù lu bù loa. Cô Lan người đàn bà của bố cháu dặn cháu phải hết sức bình tĩnh và không được khóc, vì sẽ làm cho bố cháu mất hết tinh thần. 
    Thôi cháu  chào hai bác, cháu đi thăm bố cháu đây!



Thứ Bảy 8/17/18

Bệnh viện Ung Bứu ở đường Nơ Trang Long (photo HD)


 

Bệnh viện Ung Bứu của thành phố Saigon rất lớn, mỗi ngày bệnh nhân muốn được khám phải tới sắp hàng lấy số thứ tự từ 4 giờ sáng.
Theo Bác Sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Saigon cho biết: Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 3.000 ca, điều trị nội trú khoảng 1.500 ca nên áp lực rất lớn.
Một con số chưa từng nghe thật kinh khủng (ngoại trừ thiên tai hoặc khủng bố)
Nơi chú Tư nằm thuộc khu "chăm sóc giảm nhẹ"
(hospice)có nghĩa là bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối.
Phòng ốc khá sạch sẽ, mỗi phòng rộng khoảng 20 mét vuông chứa tới 5 giường bệnh, bên cạnh mỗi giường có một ghế xếp dành cho những người đi nuôi bệnh nằm ngồi tùy ý.
Bệnh nhân khu này ở giai đoạn cuối, chỉ chữa cầm chừng, đau quá thì cho thuốc giảm đau, cho nên bác sĩ ý ta thưa thớt. Không gian cũng trở nên êm ả hơn bên các khu mổ xẻ chạy chữa. Nghe kể bên đó phòng ốc chỉ khoảng 60 mét vuông, mà có tới 12 giường, bệnh nhân cùng người nhà đi theo có khi lên tới hai mươi mấy ba chục người chen chúc trong phòng, mùi hôi thối đến khinh hồn, người đi nuôi bệnh không bị bệnh cũng bệnh luôn, vì không nén được đã phải nôn mửa ra cả mật xanh lẫn mật vàng... vậy thì quá cảm phục các bác sĩ lẫn y tá bên đó.
Mỗi ngày em vào đây, nhìn thấy chú Tư tiều tụy, mặt mày đen xạm, mắt lờ đờ, nói không ra lời, bụng to trướng, hai chân xưng húp thật là đau lòng xót dạ quá sức...
Thôi thì tùy mệnh số vậy.

Quay về ghé An Nhiên một trong ba nhà hàng cơm chay của cô Năm để ăn trưa. Nhà hàng mới xây lên ba tầng rất đẹp đẽ, khang trang. 

               
Chủ Nhật 8/19/18

Lại kéo nhau đi thăm chú Tư, có cả anh Cả từ Cần Thơ nóng ruột chạy lên.
Cô vợ trẻ của chú Tư đang bối rối vì chỗ làm không còn thông cảm nữa, gây khó khăn vì cô đã nghỉ làm quá nhiều ngày rồi!
Vợ chồng cô Năm nghe thấy thế, bảo cô ta cứ nghỉ quách đi cho xong, đồng thời còn đề nghị sẽ giúp đỡ, cung ứng cho cô đủ thứ thuận lợi cho tương lai của cả hai mẹ con cô, nhưng cô vẫn cứ phân vân. Cô tâm sự với em rằng, đời cô vốn đã từng gặp quá nhiều khó khăn và cô đã cố gắng hết sức để sống tự lập nên không muốn ai sắp xếp tương lai cho mình.
Cô cho biết thứ Tư này cô cần có người ở bên cạnh chú Tư một vài giờ trong lúc cô đi vắng để giải quyết vài việc ở sở làm. Dĩ nhiên em và anh Hai nhà này sẵn sàng nhận lời tới bệnh viện từ 6 giờ sáng ở bên cạnh chú ấy để cô yên tâm đi lo công việc.
Thăm nom chú Tư xong ghé nhà vợ chồng cô Năm ăn cơm trưa. Căn nhà ở khu Phan xích Long, bên Phú Nhuận, các con đường chung quanh khu phố mang tên toàn các loài hoa. Nào là hoa Sứ, Hoa Huệ rồi lại hoa Cúc hoa Cau, có cả hoa Phượng v…v… 
Sáng kiến của các nhà đầu tư nhà cửa ở khu này lý thú đấy chứ nhỉ.  


Thứ hai 8/20/18

Hôm nay thứ hai, mấy anh em lại kéo nhau đi nhà thương thăm chú Tư, xe cộ người ngợm đông nghìn nghịt, mỗi ngày có đến 3000 bệnh nhân đi khám bệnh quả thật không ngoa.
Còn chú Tư thì hôm nay đã tệ lắm rồi...
Từ trên các bậc tam cấp, rồi ngoài hành lang cho đến bên trong phòng dưỡng bệnh, các bệnh nhân và thân nhân nằm ngồi la liệt, thật rối cả mắt.
Bên cạnh giường của chú Tư có một cậu nhỏ khoảng 20 tuổi nằm im lìm, nghe nói đã bốn tháng nay rồi, hỏi ra mới biết cháu bị khối u trong não, cha mẹ ly dị từ nhỏ, quẳng cho vợ chồng người bác nuôi dùm.
Đang ngon lành khỏe mạnh, học rất giỏi sắp được ông bà bác cho đi du học, thì bỗng dưng nhức đầu quá, lăn đùng ra nằm một chỗ, không còn biết trời đất gì nữa suốt bốn tháng nay.
Bà Hoa đang chăm sóc cho Khoa (photo HD)
  
Ông bà bác chăm sóc, chạy chữa lâu ngày mất kiên nhẫn, chán nản, bỏ cuộc. Đành phải mướn một bà vú ở trong nhà thương với cháu 24/24, mỗi ngày tiền công là 4 trăm ngàn. Khoảng 500 dollars 1 tháng, chưa kể tiền nhà thương 5 trăm ngàn một ngày. Em hỏi bà Hoa (người đang chăm sóc cho cháu trai này)

-      Thế người ta trả tiền cho chị như thế nào, chị  không sợ người ta quỵt sao?
-      Tui đã bị quỵt mấy lần rồi, người nhà họ chết họ bỏ trốn luôn, có người không trả tiền nhà thương, đợi người ta bỏ thây xuống nhà xác, người nhà mới lén ăn cắp xác đem đi thiêu, mấy người canh nhà xác mắt nhắm, mắt mở tảng lờ luôn. Vì nghèo quá mà ra như vậy. Lần này tui khôn ra rồi, tui bắt người ta phải trả cho tui từng ngày. Trường hợp thằng nhỏ này, mỗi ngày người nhà của nó tới trả cho tui 400 trăm ngàn, thì ngày mai tui mới chăm sóc tiếp.
-      Thế là chị giàu to rồi, tính ra mỗi tháng chị có tới 500 đô, ăn uống ngủ nghỉ trong này không tốn đồng nào, chắc phải mua một cái tủ sắt để cất tiền thôi.
Bà ấy nói:
-      Làm gì còn tiền mà mua tủ sắt, tiền tui còn phải trả cho tụi xã hội đen.
-      Ui chời, ở trong này mà cũng có “đầu nậu” sao?
-      Không phải, tại tui mượn tiền của tụi xã hội đen giúp người ta, nhưng người ta nghèo quá không có tiền trả lại, tụi phải gánh nợ dùm, tiền lời cắt cổ luôn. Tui nuôi bệnh ăn tiền mấy năm nay rồi mà trả hoài chưa dứt nợ. Mà có dứt nợ này tui lại mượn nợ kia giúp người ta nữa, cho nên thôi kệ, mình làm phước mà.
-      Chắc chị ở giữa cũng có ăn lời chút đỉnh chứ gì?
-      Thì cũng có, Tham Thì Thâm là ở chỗ đó, biết vậy mà tui cứ làm hoài, không biết tại sao!

Anh chàng nằm trên chiếc ghế bố bên cạnh, đang canh chừng bà mẹ bị đứt mạch máu não chờ chết, cũng chõ miệng góp lời:
-      Còn cái vụ đánh đề của bà sao bà không kể luôn cho cổ nghe.
Mọi người chung quanh cười rùm, bà ta vui vẻ tiếp lời:
-      Thì cũng chơi chút đỉnh cho zui..
Mấy ngày nay, em ngồi nhìn bà Hoa chăm sóc cho thằng nhỏ mà chảy cả nước mắt. Bà chăm chú thay tã, lật nó lên, lật nó xuống lau chùi thằng nhỏ thật kỷ lưởng. Cho nó ăn thật là khó khăn, vì nó không nuốt được, bà phải dùng tay vừa nhấc nhấc cái càm của nó lên vừa như năn nỉ nó:
-      Nuốt đi con, nuốt đi con, không ăn là không sống được đâu.
Thằng nhỏ dường như hiểu ý, nên cố nuốt và em trông thấy trong khóe mắt của nó có một giòng nước chực chờ chảy ra. Ba Hoa reo lên:
-      Thấy chưa nó nghe tui nói mà, nó đâu có muốn chết đâu. Vậy mà người nhà nó biểu tui đừng cho nó ăn uống gì nữa, để cho nó chết đi cho rồi!
Em nghe thấy mà hết cả hồn:
-      Ui chời, sao mà tàn nhẫn quá vậy!
-      Thì bác sĩ đã chịu thua rồi mới cho nó nằm ở đây, còn tui thì đâu có nỡ lòng nào mà làm như vậy, tui nuôi nó đã bốn tháng nay, thương nó lắm. Mỗi ngày tui lau chùi làm vệ sinh cho nó, cho nó ăn uống đàng hoàng. Tui thường xuyên nói chuyện với nó, nó không trả lời trả vốn gì ráo, nhưng nước mắt nó chảy dài. Tui biết nó vẫn nghe được mà. Ba ruột của nó lâu lâu cũng có ghé thăm coi nó chết chưa?
-      Trời ơi chị nói cái gì mà thẳng thừng nghe ghê quá vậy chị Hoa?
-      Tại tui nghi ba nó đã nhận lời bán hai trái thận của nó cho người ta rồi, nên mới vô canh chừng như vậy, chứ tốt lành thương yêu gì thằng nhỏ!
Đang phê phán ba ruột của thằng nhỏ thì ông ta ở đâu bước vô, bà Hoa im bặt bỏ đi chỗ khác, em thấy vậy cũng bước ra ngoài ngồi xuống dãy ghế kê ngoài hành lang. 
Ông ta bước tới ngó thằng nhỏ một hồi rồi cũng đi ra, không hiểu sao ông ta đi lại ngồi xuống bên cạnh em, ông ta phân trần mặc dù không biết em là ai:
-      Chị biết không, tui với má nó lấy nhau khi còn nhỏ không ai hiểu ai, nên suốt ngày gây gổ rồi má nó bỏ đi lấy chồng khác, tui cũng lấy vợ khác đẻ con, đẻ cái tùm lùm. Thằng Khoa may nhờ có hai bác nó giàu có nên nhận nuôi dùm. Không ngờ thằng nhỏ đang cao lớn khỏe mạnh thì lăn ra vì bị khối u trong đầu, mổ xẻ xong thì không tỉnh dậy nữa. Bác Sĩ đã bó tay, thú thật đã có nhiều người gặp tôi đòi mua nội tạng của nó, vì nó chỉ bị hư phần não, còn lục phủ ngũ tạng của nó con tốt chán vì nó chỉ mới hai mươi tuổi thôi mà.
-      Rồi anh có bán không?
-      Không, tui thề với chị là tui không có bán buôn gì hết ráo. Ai mà làm vậy cho được chớ!
Nói chưa xong câu chuyện ông ta đã vội đứng lên:
-      Thôi, xin chào chị tui phải đi đón thằng nhỏ con tui, nó sắp tan trường.
Anh ta bỏ đi, để em lại với cõi lòng hoang mang. Em chợt nghĩ, cũng đúng đấy chứ thằng bé này mà ra đi thì sẽ cứu được biết bao thằng bé khác còn ở lại.   
Em đang thẫn thờ thì chị Hoa kia trở lại:
-      Nè, chị đừng tin thằng cha đó nói gì nha, làm cha gì mà bỏ bê con cái không nuôi nấng dạy dỗ gì ráo, nay nó sắp chết còn tính kinh doanh thân xác thằng nhỏ nữa chứ, thật là hết biết!!
Em đang đứng ngẩn ra chưa kịp nói gì thêm, thì bỗng đâu có một anh chàng tay chân đen đủi, mặt mày hốc hác, ăn mặc lôi thôi đi vào phòng. Anh ta nhìn giáo giác một hồi, ngơ ngác như muốn tìm kiếm ai, bỗng dưng anh ta móc từ trong túi ra một nắm tiền rồi phát cho mỗi người nuôi bệnh 50 ngàn, ai nấy đều cầm lấy đút vào túi, không có đến một lời cảm ơn.
Dường như đây là một hành động rất thường xảy ra, đến nỗi người nhận mất cả cảm giác, quên cả cảm ơn mà còn ngộ nhận là mình đang làm phúc cho người khác (?)
Cho tiền xong anh ta liền bỏ đi một mạch, em lấy làm lạ buột miệng hỏi mọi người:
- Anh ta là ai mà rộng rãi cho tiền mọi người vậy?
Bà Hoa nhanh nhẩu nói:
- À, vợ anh ta mới chết được mấy bữa, trước kia cô ta nằm đây, chắc chôn cất xong rồi nên ghé thăm bà con, đồng thời cho tiền mọi người để làm phước cho vợ sớm siêu thoát.
Đó là câu trả lời là tại sao người nhận tiền lại “ngộ nhận” mình đang làm ơn cho người khác. Em cũng đã tận mắt chứng kiến nhiều người ghé qua các phòng bệnh phát tiền, phát quà như thế.
Thăm thế đủ rồi, em được cô Năm đưa tới tiệm uốn tóc để làm đẹp cho đỡ depress.
Vậy nhé mai kể tiếp.

     

Thứ Tư  8/22/18

Hôm nay thứ Tư, như đã hứa sáng sớm em một mình đi ra đầu ngõ đón xe buýt tới bệnh viện. Chỉ tốn có 5 ngàn đồng khoảng 20 cents.
Em vừa bước chân vào phòng chú Tư, Lan cô vợ trẻ của chú Tư trông thấy em, đã không còn nén được nữa nên mếu máo, nức nở nghẹn ngào, nước mắt lã chã. Chú Tư thì đang nắm thiêm thiếp.
Thì đấy ai cũng biết rồi, bác sĩ đã bó tay, chú ấy có thể ra đi bất cứ lúc nào mà! 
Trễ lắm là kéo thêm được vài tuần.


Lan gặp chú Tư như thế nào?

Hồi đó, 15 năm trước em mới có bầu đã bị chồng bỏ, khổ sở nuôi con một mình. Cách đây 8 năm, em mày mò lên mạng gặp anh Tư, anh tỏ ra hiểu biết, thông cảm với hoàn cảnh của em, vậy là em có nơi để trút bầu tâm sự, ảnh khuyên răn an ủi em đủ điều. Một năm sau hai đứa mới gặp mặt nhau, rồi quyết định sống chung, mặc kệ gia đình anh Tư chống đối.
Anh Tư là con trai cưng của gia đình, anh có một căn nhà do mẹ ảnh đã qua đời để lại cho anh ở, nhưng vì cô em gái không chấp nhận chuyện của em với ảnh, vì em nhỏ hơn anh Tư tới 28 tuổi. 
Chắc ai cũng nghĩ em lấy anh ấy vì tiền, nhưng thật tình mà nói anh ấy chẳng có gì, mỗi tháng làm việc ở nhà hàng cô em lãnh được mấy triệu chỉ đủ anh ấy đổ xăng đi tới đi lui, sài vặt uống cà phê.
Không có nhà ở tui em phải đi thuê đi mướn, cách đây 2 năm hai đứa dành dụm mua được căn chung cư ở Dĩ An, Thủ Đức nơi mà chị đã có ghé thăm.
Những tưởng sẽ được hạnh phúc ở bên nhau suốt đời. Nào ngờ ảnh lại bỏ em mà đi sớm như thế này. 

Thời gian trước em chẳng hề qua lại mật thiết với bên gia đình anh Tư, chỉ cách đây vài tháng anh Tư đổ bệnh nên cả nhà mới tỏ ra thân thiết, mới có vẻ hiểu rằng em yêu thương anh ấy thật tình. Vì có lần em theo anh Tư đi khám bệnh, nghe bác sĩ nói ảnh bị ung thư gan em liền đòi hiến tặng cho ảnh một nửa lá gan của em, không biết có được không, nhưng ai nghe nói cũng hết hồn, còn em thì  thiệt tình là sẵn sàng.

Tám năm trời em ở với anh ấy, việc nhà việc cửa kể cả việc chăm sóc cô con gái nhỏ của em, anh ấy đều dành làm hết, không cho em động đến móng tay. Con gái em cũng thương anh ấy lắm, nó coi ảnh là bố của nó. Ảnh đau ốm nó phụ với em chăm sóc cho ảnh, tụi em chỉ mới cực với ảnh mấy tháng nay thôi…

Kể lể một hồi, đã đến giờ Lan phải đi công việc để em ở lại trông chừng chú Tư.

Hôm nay ở trong nhà thương, em lại có dịp gặp Tùng con trai lớn của chú Tư đến thăm bố. Tùng năm nay đã hơn 30 tuổi, trông nó giống con trai của anh Cả quá chừng, thật lạ lùng có dính líu huyết thống, cho nên mới giống nhau dữ như vậy.
Tùng là con trai của người đàn bà đầu tiên của chú Tư, cô ta không được mẹ chú ấy chấp nhận vì chê gia đình cô ta không Môn Đăng Hộ Đối, nên cô ta đã bỏ đi lấy chồng để có nơi nương tựa và nuôi con. Tùng lớn lên trong hoàn cảnh không có bố ruột bên cạnh, nhưng không hiểu sao lại đi theo đúng con đường ông bố đã đi. Tùng lấy con gái người ta có tới hai đứa con trai rồi cũng bỏ bê, mặc kệ để cho mẹ nó và bên ngoại của chúng nó lo. Người mẹ của hai đứa nhỏ, lại dại dột đẻ thêm hai đứa con nữa với hai người đàn ông khác. Vị chi cô ta có tới bốn đứa con không cha, tha hồ mà nuôi. (Bà ngoại của bốn đứa cháu nhỏ đến dự đám táng của chú Tư, kể cho em nghe và kêu trời như bọng.)
Em ở trong nhà thương đến trưa, mọi người lại hùa vào thăm chú Tư. Tình trạng của chú ấy bác sĩ đã bó tay, nên cho xuất viện về nhà chờ… Tuy nhiên vì chú Tư không được cho biết tình trạng thật sự của mình, nên không chịu về. Chú kêu lên rằng:
- Chân tôi còn sưng tếu lên như thế này, đi không được, tại sao bắt tôi về?

Thế là cô vợ của chú Tư đành phải xin bác sĩ cho ở lại thêm mấy hôm!
Thăm đủ rồi, mọi người kéo nhau đi về khu nhà ở Phan Xích Long của cô Năm để ăn bánh xèo, uống cà phê Highlands rồi ngồi nhìn mưa bay bay...


(Photo HD)





Thứ Sáu 8/22/18

Hôm nay thứ sáu, em sử dụng toàn xe buýt làm phương tiện di chuyển, mỗi chuyến đi từ điểm này tới điểm khác chỉ tốn từ 5 đến 6 ngàn, khoảng hơn 20 cents. Tha hồ đi cùng khắp, ra đầu ngõ là có trạm xe buýt ngay.
Trước tiên là đi thăm soeur Quyên ở Thủ Đức. Mấy năm mới gặp lại, trông Soeur khỏe mạnh thật đáng mừng, hàn huyên thăm hỏi soeur được khoảng một tiếng đồng hồ thì xin kíu để soeur ăn trưa cho đúng giờ. Soeur hẹn sang năm đi Mỹ thăm toàn thể anh em, thế nào cũng gặp lại nhau.
Kế đó, cũng dùng phương tiện xe buýt để đi thăm hài cốt của má và anh Xuân của em được gởi ở chùa Phong Linh cũng ở Thủ Đức.


Chùa Phong Linh ( Photo HD)



Sau chót là đổi thêm hai chuyến xe buýt nữa mới tới được bệnh viện để thăm chú Tư. Cuối cùng cũng về được tới nhà an toàn trên xa lộ.
Đi với anh Hai hơi bị "nhức đầu" vì chàng ta cứ lo lạc đường, đi nhầm xe buýt v...v...
Có gì mà phải lo lắng chứ, đi nhầm thì đi lại, ở chính xứ sở của mình mà. Nhớ kỳ đi Barcelona em muốn đi Bảo Tàng Picasso mà anh Hai của em càm ràm riết đến nỗi em phải bỏ anh ta ở lại khách sạn để đi một mình, không biết tiếng Tây Ban Nha mà em cũng đi được tới nơi về tới chốn ngon lành.



(Photo HD)


Thứ Bảy và Chủ Nhật 8/23-8/24…

Những ngày tháng này, sáng sớm nào em cũng dùng xe buýt để đi thăm chú Tư rồi sau đó đi thăm thú khắp Sàigon, Chợ Lớn.
Phương tiện xe buýt ở VN lúc này rất tiện lợi, có điều hoà không khí hẳn hòi, khi muốn đi bất cứ nơi nào anh chỉ việc hỏi chú Gồ (google) sẽ được hướng dẫn rất rõ ràng là chúng ta cần đi chuyến xe nào, mấy giờ, lên xuống ở trạm nào và sẽ đưa chúng ta đến đích một cách vô cùng chính xác.
Tuy nhiên lâu lâu cũng có hơi hố một chút vì chú Gồ chưa kịp cập nhật, nhưng không sao càng có cơ hội cho chúng ta đi thăm thú đó đây.
Những người sử dụng xe buýt dường như chỉ có học sinh, những người già, những người nghèo từ địa phương khác tới, nhất là những người đi chữa bệnh, thăm bệnh, những tuyến đường đưa đến các bệnh viện lúc nào cũng đông nghìn nghịt.
Bệnh viện công, tư mọc lên như nấm nhưng vẫn không đủ cung ứng cho hơn 13 triệu người đang cư ngụ tại thành phố Sàigon này.
Mấy lần về trước, thật tình em lúc nào cũng muốn đi thăm bà con giòng họ mà không đủ ngày giờ. Lần này em muốn đi thăm anh Ba “ngầu chảy” con trai của dì Bảy, người chị thứ bảy của má em. Nếu anh đã từng đọc “Những kẻ lạc loài” của em thì anh sẽ biết nhân vật dì Bảy này đã làm xáo trộn cuộc đời của mẹ em và anh Cường của em như thế nào!
Đã 50 năm rồi em chưa gặp lại anh chị Ba, sau năm 1975 anh chị ấy đã dọn đi nơi khác cho nên em không có địa chỉ chính xác. Trước khi về VN, anh Hai Cường của em có chỉ đường cho em một cách mơ mơ hồ hồ, như anh đã biết rồi anh ấy nói tiếng Việt lơ lớ tiếng Tàu thì làm sao ai mà hiểu được. Vậy mà em cũng ráng đi tìm, cứ theo lời hướng dẫn của anh Cường lò mò đi tìm. Thay vì nhờ tài xế của cô Năm chở đi chắc có lẽ cũng sẽ tìm ra rồi, nhưng vì anh Hai nhà mình quá cứng đầu, nhất định không muốn làm phiền ai hết, cho nên tui em lọ mọ đi bằng xe buýt.
Nhưng khi đi đến được Chợ Lớn thì “mịt mù khói lửa”. Trời ơi, đường xá chằng chịt, xe cộ đầy rẫy, người người như nêm, em đành chịu thua, tiu nghỉu đón xe buýt trở về.
Mấy hôm sau, nhân dịp thăm viếng, ăn nhậu với gia đình con cháu của anh chị Thu của em, em mới kể cho anh ấy nghe việc em đi tìm anh chị Ba. Anh Thu hỏi em:
-      Anh Cường nói với em đường nào ở Chợ Lớn.
-    Anh Cường, ảnh nói nó nằm trên con đường Nguyễn Chí Thanh gần cái nhà băng rồi quẹo vô con hẻm nhỏ, đừng quẹo vô con hẻm lớn là không đúng đâu. Khi nghe ảnh nói trong đầu em hiện ra một con đường yên ắng hiền hoà, một con hẻm nhỏ xinh xắn, khi tới nơi thì mới ngã ngữa là một “đại lộ kinh hoàng”, xe chạy nườm nượp và có cả chục cái nhà băng trên con đường đó, và không biết con hẻm nào vào con hẻm nào nữa.

Con hẻm đẹp quá nhỉ (photo HD)

Chỉ có nói vậy thôi, mà ngay ngày hôm sau hai vợ chồng anh chị Thu đi xe gắn máy lên tuốt Chợ Lớn tới con đường Nguyễn Chí Thanh luồn lách từng con hẻm một, cuối cùng đã tìm ra được nhà anh chị Ba cho em, thật là thần sầu. Sau khi có địa chỉ chính xác rồi, em lại cùng với anh Hai nhà mình đi xe buýt tìm đến tận nơi thăm anh chị Ba, nhưng rất tiếc anh Ba đã chết vì tuổi già và bệnh hoạn cách đây mấy tháng rồi.
Sau năm chục năm, em vẫn nhận ra chị Ba vì chị không mấy thay đổi chỉ hơi mập ra một chút thôi.
Còn chị ấy nói em trông giống cô Út quá, tức là giống má em khi đã về già, hì..hi…thì đúng rồi em năm nay đã hơn sáu mươi rồi chứ ít sao.
Với giọng líu lo của người Tàu Chợ Lớn nói tiếng Việt chị kể chuyện về anh Ba cho em nghe, em chẳng hiểu gì mấy, đành phải nhờ con gái của chị ấy kể lại. A Bửu tức là nhỏ Bảo nói tiếng Việt rất rành rọt, nó kể cho em nghe chuyện của anh Ba, ba của nó:
-      Cô còn nhớ nhà mình có lò bánh mì Việt Nam ở đường Thành Thái không cô? Lò bánh mì rất lớn nên có rất nhiều thợ thuyền ăn ngủ tại chỗ.
Lò bánh mì không xa nhà mình cho lắm, chỉ cách có mấy chục bước, vậy mà tối nào ba cháu cũng không ngủ ở nhà, nói rằng sáng phải dậy sớm đi giao bánh mì cho người ta sợ không kịp cho nên phải ngủ ở lò bánh mì.
Má cháu nghe ba cháu nói vậy thì chỉ cười chẳng có một chút ý kiến nào. Thật ra má cháu chỉ muốn ba cháu để cho má cháu được yên, vì lúc nào má cháu cũng bận rộn với cái bụng mang bầu. Bây giờ lớn rồi, cháu nghe kể lại mà buồn cười quá. Cô biết không, sau khi mất nước một thời gian, hậu quả của những đêm vắng nhà là ba cháu dắt về nhà năm đứa con của bà vợ bé cộng chung với 8 đứa con của má cháu, tổng cộng là 13 đứa con, má cháu nuôi gần chết.
Má cháu không những không ngạc nhiên mà còn nói rằng: May mà có bà đó đẻ dùm năm đứa, không thì một mình má đẻ nhiêu đứa con, nuôi từ hồi đó đến giờ cũng đủ chết.

Kể ra anh Ba ngầu chảy của nhà em cũng thuộc loại thượng thừa đấy chứ nhỉ (ngầu là bò, chảy là sữa, chắc hồi nhỏ dì Bảy nuôi anh Ba bằng sữa bò)

Chị Ba- HD- A Bửu

 

Các bữa cơm từ thiện


Ra vô bệnh viện nhiều mới phát giác ra rằng có rất nhiều hội từ thiện, mỗi ngày các hội đã cung cấp cả trăm, cả ngàn phần ăn rất thơm ngon, sạch sẽ, đầy đủ dinh dưỡng, có cơm chay lẫn thức ăn mặn cho thân nhân các người đi nuôi bệnh. Em thấy ngoài cơm, thức ăn và nước chai ra họ còn có cả cháo, chè và có cả chuối tráng miệng nữa.
Thân nhân xa gần của người bệnh tha hồ lựa chọn.
Đi xe buýt nhiều, lại còn phát giác ra là có một số các bà ở đâu đó, gần xa nhà thương, họ đã bỏ công trà trộn vào đám thân nhân của người bệnh, để lãnh không phải một hay hai mà là rất nhiều phần ăn đem về nhà. Trên xe buýt ngồi bên cạnh em có một bà tay xách nách mang tới cả chục phần ăn, đủ cho cả chục người ở nhà đợi ăn trưa hay ăn tối gì đó. Các hội từ thiện cũng đã dự tính các trường hợp như thế xảy ra, nên đã phải đem phiếu cơm từ thiện tới tận phòng phát cho từng người để mấy người bên ngoài không có cơ hội lãnh cơm từ thiện một cách bừa bãi.



Phát cơm từ thiện (photo HD)
Người đi nuôi bệnh (photo HD)









 

Ngồi lan ra cả ngoài đường (photo HD)


Việc này làm em nhớ tới bà Hoa, người chăm sóc cho thằng nhỏ nằm bên cạnh giường bệnh của chú Tư. Bà ta là người miền Nam, thân người trắng trẻo mập mạp, trông tươm tất sạch sẽ, khỏe mạnh. Bà thuộc loại nhanh mồm nhanh miệng, có lòng nghĩ đến những cơ cực của người khác.(nếu có thì giờ thì bà sẽ kể cho mà nghe cả ngàn chuyện đã xảy ra trong khu nhà thương này)
Hằng ngày có rất nhiều cơ quan từ thiện đến phát quà, phát phiếu để lãnh cơm từ thiện. Ai cho gì, bao nhiêu bà cũng nhận. Em hỏi:
-      Tui thấy, nào là nhà thương phát cơm, rồi hai ba cơ quan từ thiện cũng phát cơm, làm sao ăn cho hết mà chị nhận chi cho dữ vậy?
-      Ôi cô lo gì, tui lãnh hết rồi coi món nào ngon thì tui ăn, còn bao nhiêu đem phát lại cho những người ngồi chờ khám bệnh đầy rẫy ngoài kia kìa cô thấy không. Bao nhiêu cho đủ.
Mà quả thật, nhìn đâu em cũng thấy người là người nằm ngồi la liệt, trên ghế, trên sàn nhà, trên các bậc cầu thang, mặt mũi hốc hác.  Em còn nhìn thấy bên hông bực cầu thang hằng ngày em lên xuống có cả một đống hồ sơ khổng lồ chất như núi, hồ sơ của các bệnh nhân đã chết hoặc đã cũ đang chờ xe rác tới hốt đem đi đốt hay bán lạc son gì đó cho người ta gói đồ. Thật…là…!

Hồ sơ đợi dục bỏ (photo HD)


 

8/31/18 Chủ Nhật  6:30am

Cái gì phải đến cũng đã đến, chú Tư về nhà được vài hôm thì mất. Chú ấy mất tại nhà của mẹ mình, căn nhà ở Gò Vấp mà khi mất bà đã để lại cho chú Tư ở, nhưng giấy tờ có tên cô Năm cho chắc ăn.
Từ khi về chung sống với Lan, chú Tư không còn ở đó nữa, chú để cho Tùng con trai của chú ở.
Tùng là thanh niên trai tráng, suốt ngày đi làm đi chơi, không chăm sóc nhà cửa thường xuyên nên đã để cho nhà cửa trở thành cũ kỹ. Trâm con gái của chú Tư thấy ba của mình cần một chỗ khang trang sạch sẽ để tịnh dưỡng nên đã bỏ tiền, cất công mướn thợ tân trang lại, còn mua tất cả vật dụng bếp núc, tủ lạnh ghế bàn mới để đón bố về dưỡng bệnh, Trâm thật có lòng hiếu thảo đối với bố của mình.

Nhưng rất tiếc, chỉ được mấy hôm thì chú Tư đã lặng lẽ ra đi trong một buổi sáng mùa hè vô cùng êm ả, không gặp đau đớn gì.
Một cuộc đời đã khép lại, không còn lo toan, đau đớn hay muộn phiền gì nữa. Mọi chuyện để người ở lại tha hồ mà toan tính.
Ngay hôm ấy, vợ chồng cô Năm cùng các con các cháu liên lạc với nhà thờ, nhà quàn, với phường với khóm, với bạn bè thân nhân, mọi chuyện được sắp xếp vô cùng nhanh chóng và chu đáo.
Việt Nam độ này đã cải tiến vượt bực, cái gì cũng có dịch vụ lo trọn gói. Đám cưới, đám ma gì cũng tiện vô cùng. Đám táng của chú Tư đã được Trại Hòm Vạn Phước lo từ A tới Z.
Chỉ loáng một cái mà đã thấy chú Tư nằm gọn gàng trong một cái hòm màu trắng phau thật đẹp.
Nhà quàn cho người tới lau rửa thân xác bằng rượu thật sạch sẽ, họ mặc cho chú ấy bộ đồ ăn ý nhất, mang cho đôi giày mà chú Tư thích nhất. Đôi giày mà mấy hôm trước khi còn trong nhà thương chú Tư đã nằng nặc đòi mua cho bằng được vì thấy anh Hai nhà mình mang đẹp quá. Đôi săng đan mùa hè thì đúng hơn do thằng cháu ở Cần Thơ tặng. Thấy chú Tư thích, thế là ông anh Cả liền gọi ngay điện thoại về Cần Thơ bảo thằng con phải gởi nhờ xe đò mang lên liền tú suýt. Ngày hôm sau là có ngay cho chú Tư nhà ta được vừa lòng. Nhìn thấy đôi săng đan chú Tư cười toe toét vì thấy mình được cưng chiều quá sức.
Trong khi đó bên ngoài, có một nhóm khác cũng là người của trại hòm Vạn Phước đang xin phép chòm xóm được dựng lều, dựng rạp cho khách đến thăm viếng. Bông hoa phúng điếu được cơ quan, bạn bè khắp nơi gởi tới tấp, chưng bày cùng khắp thật vô cùng ấm áp cho người ra đi.
Sau ba ngày, chú Tư được các cha, các vị trong họ đạo đến cầu kinh, thân nhân bạn bè đến thăm viếng, đưa tiễn chú đến chặng đường cuối cùng, mọi việc được thực hiện một cách chu đáo, vẹn toàn.
Tro cốt của chú Tư được an nghỉ bên cạnh cha mẹ của mình ở nhà thờ Gò vấp. Chú Tư ra đi ở tuổi 65, đã từng đi qua cuộc đời của ba người đàn bà, đã để lại cho đời hai đứa con ruột, một đứa con gái nuôi (con của Lan, đã được chú Tư chăm sóc từ bé nên rất thương chú) và hai đứa cháu nội. Thế là sống cũng đã đầy đủ lắm rồi.
Từ biệt chú Tư, chú Tư nhé, có một ngày biết đâu chúng ta lại chẳng gặp lại nhau. 

(photo HD)
 

HoangDungdc 11,15,2018

Còn tiếp … sẽ kể những ngày chung sống hoà bình với thằn lằn, kiến, muỗi, gián và chuột…