Sunday, October 1, 2017

Một buổi đầu Thu




Photo Hà Nguyên trong một buổi đầu Thu




Trước khi rời khỏi nhà đi đến dealer xe, nhờ thằng em thay cho cái  bóng đèn xe vừa bị cháy, tôi đã có sẳn kế hoặch trong khi chờ đợi sẽ làm cái gì rồi. Giao xe xong, tôi vội vã băng ngay qua đường đi thẳng tới tiệm bán đồ cũ, trong đó có hẳn một khu bán sách báo cũ, do người ta hiến tặng. Người tặng có thể do vì nhà đã đầy ắp các thứ hoặc vì chủ nhân đã qua đời, con cháu muốn dẹp bỏ!
Tôi có cái tật, hể thấy tiệm bán sách báo cũ nào là lập tức xà vào, hoặc là đi ngang qua nhìn thấy mà hôm đó không thuận tiện để ghé vào thì tôi áy náy làm sao ấy, giống như thoáng thấy một người thân quen mà không thể nào chào hỏi.
Lay hoay trong đống sách báo cũ đã ngã màu, tôi cảm thấy thật vui khi tìm được hai cuốn sách vô cùng lý thú.
Cuốn thứ nhất còn mới của Gabriel García Márquez xuất bản tháng 11,2003 có cái tựa là "Living to Tell the Tale" tạm dịch "Sống để kể chuyện".  Điều trùng hợp về cái tựa làm tôi thích thú và tự tin hơn là vì tôi cũng có một cuốn có cái tựa là "Chuyện Dung Kể". Gabriel García Márquez là nhà văn người Nam Mỹ (Columbia) được giải Nobel năm 1982, ông vừa mới qua đời vài năm trước (April 17,2014) hưởng thọ 87 tuổi. Tôi khoái ông vì cuốn Tình Yêu Thời Thổ Tả (Love in the Time of Cholera), vừa được xem phim lại vừa được đọc truyện của ông thì cảm thấy cuộc đời này quả thật đáng trân trọng. (Các bạn nào muốn biết rõ về ông thì cứ ghé vào Wikipedia nhé)
Cuốn thứ hai càng thú vị hơn nó có cái tựa là Heart Songs The Intimate Diaries of Young Girls của Laurel Holliday xuất bản năm 1978, sách đã ngã màu. Cuốn sách này được người đầu tiên mượn của thư viện quốc gia (Library of conngress) ngày 28 tháng 7, 1978, rồi sách lại qua tay thêm hai người nữa, sau 35 năm lưu lạc cuối cùng thì hôm nay đã lọt vào tay tôi.  Người thứ ba là người trước tôi, theo như con dấu đóng ngày tháng của thư viện thì đã mượn cuốn sách này vào ngày mùng 6 tháng 7, 1983 rồi hình như là cứ giữ mãi, vì quên hay vì bị sao đó không thấy đem trả lại. Cuối cùng chắc đã qua đời rồi nên con cháu mới mang đem cho hội từ thiện, để rồi họ đem bán lại cho những người "lẩm cẩm" như tôi, giá $.99 cent, giá bán năm 1978 là $3.95 (hình như trên website còn một quyển Original đang bán với giá $ 3.99 bạn nào muốn đọc thì vào đấy mua nhé)

Nội dung cuốn sách thì càng thú vị, nhà văn Laurel Holliday kể rằng:
Cách đây 5 năm (1973) một hôm tôi đang lục tung các kệ sách của thư viện trường đại học để tìm tài liệu, thì bỗng đâu cuốn The Diary of Nelly Ptaschkina* rớt ngay xuống trước mặt tôi, tôi vội nhặt lên và đọc lướt qua, không ngờ nó cuốn hút tôi đến không thể rời ra nữa. Kể từ đó tôi bỗng cảm thấy bị lôi cuốn bởi các trang nhật ký của các bé gái vị thành niên, nó thúc đẩy tôi đi tìm kiếm những trang nhật ký của các bé gái trên toàn thế giới,  từ Đông sang tới Tây Âu, tôi đã bỏ ra cả trăm, cả ngàn giờ để đọc các trang nhật ký đầy thú vị ấy.
Cuối cùng tôi đã chọn lọc ra được mười em có những thể hiện và những ý nghĩ lạ lẫm, phi thường mà đã có thể khiến tôi khóc, tôi cười và như một tấm gương phản chiếu tôi đã nhìn thấy một phần của tôi trong đấy.
Những trang nhật ký ấm áp của các bé gái Nga, Áo, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Anh và Mỹ tuổi từ 8 đến 11, có ý thức sớm về tình dục, về quan niệm sống, về chuyển đổi văn hoá v...v... vô cùng lý thú hơn hẳn những chuyên gia luôn dành cho chúng ta những mô tả lắp ráp, ngượng ép.
Những trang nhật ký thể hiện cá tính, quan niệm sống thâm sâu ấy của các bé gái từ cả thế kỷ trước, có những câu sai văn phạm, sai cả chính tả đã được Laurel Holliday cho giữ nguyên trạng.
Tôi càng đọc càng thấy lý thú, thỉnh thoảng gặp những chữ khó hiểu thì tôi ngừng lại hỏi chú Gồ (google). Đọc đến một trang có một vài chữ khó hiểu, tôi nhìn thấy lờ mờ những giòng ghi chú bằng bút chì, tôi cố nhìn kỷ bỗng giật nẩy mình, khi nhận ra đó là những con chữ Việt Nam.
Ôi còn gì thú vị cho bằng, khi biết rằng cuốn sách này cũng đã từng nằm trên tay một người Việt Nam nào đó giống như tôi.

*  Nelly Ptaschkina là một cô gái người Nga sinh năm 1903 mất năm 1920, được 17 tuổi.
Những gì chúng ta biết về cuộc đời ngắn ngủi và sôi nổi của Nelly Ptaschkina tồn tại trong một loạt các quyển vở mà cô đã ghi nhận, đa số thuộc về tôn giáo từ năm cô mười tuổi. Một vài quyển trong số đó đã được bảo quản và xuất bản bởi mẹ của sau cái chết bất ngờ của vào năm 1920.

Tới đây tôi lại nhớ đến một tiệm sách cũ mà tôi đã từng ghé qua vài ba lần, để tôi kể cho các bạn nghe biết đâu có bạn nào đó cũng sẽ mò đến như tôi. 

Trên đường West Broad Street, con đường chính của quận Falls Church, VA, lúc nào cũng thấy xe cộ chạy nườm nượp. Lúc nào cũng có vẻ kẹt xe vì tốc độ bị giới hạn, có vài khúc đường chỉ được chạy 25 miles một giờ. Tôi hơi lấy làm ngạc nhiên vì tốc độ chậm chạp của chúng, nhưng chợt nhận ra đó là khu phố cổ, nay theo nhịp điệu của thời gian đã được tân trang, trở thành từng bừng náo nhiệt. Cũng nhờ xe chạy với tốc độ rùa bò như thế mà tôi đã có dịp nhìn ngắm hai bên đường, ngoài những cao ốc hay những khu shopping sang trọng, tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh, nhìn y hệt như những căn nhà trên những tấm Post Card.
Trên con đường ấy có một tiệm sách cũ, đi ngang qua mãi mà tôi vẫn chưa có dịp ghé vào, bức rức muốn chết. Một hôm có một người bạn hỏi:

-                         -   Sinh nhật của em, em muốn đi đâu?
-                         -  Em muốn đến tiệm sách cũ ở đường West Broad.

Căn nhà lọt thỏm giữa những phố xá đông đúc, nhưng trông sao vẫn cứ như một mình một cõi, vẫn giữ cho mình một khoảng đất rộng đủ để cho những khách hàng yêu sách đậu xe, vẫn giữ cho mình cái hàng dậu siêu vẹo có những dây hoa leo, vẫn giữ cho mình cái hàng hiên, cái cửa ra vào nhỏ bé tróc sơn, cũ kỹ.
Bước vào trong thì ôi thôi sách ơi là sách, các kệ sách chen chút đầy sách báo cũ mới. Giữa các kệ sách là lối đi nhỏ hẹp chỉ đủ cho một người trung bình lui tới, nếu hai người gặp nhau trên lối đi, thì một người phải ép mình qua một bên để nhường lối. Hai đứa chúng tôi chìm ngập trong ấy đến cả mấy giờ đồng hồ, tôi vớ được một cuốn thơ của Tagore cũ rích, nhưng trình bày rất đẹp.
Người tính tiền chắc là chủ nhân của tiệm sách rên lên:

-                   -    Trời ơi, cuốn này đã ở đây 17 năm rồi, nay you mang nó đi thì tôi tiếc đến chết mất!
-                   -  Thì bà cũng nên để cho nó thở chứ, bà đã nhốt nó ở đây những 17 năm rồi còn gì.
            -  À, bà có cuốn nào của Alice Munro không? Tôi muốn version cũ nhất đấy nha.
-                  -     Bà tác giả mới được giải Nobel đấy hở, dường như là tôi không có.
-                  -   Ừ, tôi cũng nghĩ như thế, vì kiếm mãi mà chẳng thấy đâu.

Khi ra về người bạn tôi hỏi:
-                  -    Em có vẻ thích Tagore nhỉ?
-                 -  Vì có chị Sao Khuê bên Canada đọc thơ của em rồi bảo rằng, em có cái vẻ của...Tagore hi..hi..

Mấy hôm sau vào ngày sinh nhật của tôi, qua bưu điện tôi nhận được cuốn Dance of the Happy Shades mới tinh  của Alice Munro, bên trang trong có cái chú thích: 
 
"Với mong ước em sẽ là một nhà văn nổi danh như tác giả cuốn này" ký tên HN. Dec 2013.

Ôi thật là thần giao cách cảm, anh ấy luôn đọc được ước muốn của tôi.

Hoangdungdc 10/01/2017



Photo Hà Nguyên

Sunday, April 23, 2017

Con chó bông

net pix




Con Chó Bông có những đốm màu đen



Hôm qua tôi nằm mơ: 

Thấy mình trở lại thăm “căn nhà có những bậc thềm màu đỏ”.
Đặt chân lên những bậc thềm màu đỏ, tôi thấy bàn chân mình reo vui, bậc thềm cũng có vẻ nhúng nhẩy theo từng bước chân của tôi. Bàn tay tôi bám vào cái tay vịn đen bóng, cái tay vịn dường như cũng cong mình lên, như muốn nắm chặt lấy bàn tay của tôi, hay ít ra cũng là một cái bắt tay thân ái. Cỏ cây chim chóc cũng vẫy chào. Vạt nắng cũng  bừng lên chào đón người… trở về.
Thế nhưng…ô hay, sao tôi cứ bước lên, bước lên mãi mà không đến được cái cửa ra vào thế nhỉ? Càng nhìn lên, tôi càng thấy cái cửa như càng xa ra, càng sâu hút vào tận chân mây…

Leng keng, leng keng…cái Phong Linh bên ngoài đánh thức tôi dậy, lôi tôi ra khỏi giấc mơ, nước mắt tôi trào ra, tôi ngập trong nước mắt, tôi trôi bồng bềnh.

Tôi trôi trở lại cơn mơ:  

Lần này tôi thấy mình đặt bàn tay lên nắm cửa, cửa hé mở, liếc nhìn vào trong nhà, tôi thấy ngay đôi dép bông màu tím đang nằm ngay ngắn trên tấm thảm nhỏ như những ngày nào và đang sẳn sàng chờ tôi sỏ chân vào. Ngước mắt lên một chút, tôi bất chợt nhìn thấy con chó bông đốm đen, nó đang đứng cạnh chiếc sofa nhìn tôi chăm chăm, như đang đợi xem tôi có sỏ chân vào đôi dép tím như mọi lần không?
Tim tôi chợt nhói lên: Trời ơi con Đốm, nó đã đứng đó suốt hai năm trời mà tôi không hề ngó ngàng gì tới nó. Con Đốm chính là “chứng nhân” của mối tình tôi, mà tôi quên bẳng đi mất.
Chắc nó đã nghe và đã thấy tất cả những điều tôi nói và tất cả những điều tôi làm, mà không hề hé “môi”. Nó đã giữ dùm tôi tất cả những “bí mật” của tôi, hơn cả chính bản thân tôi.
Tôi ngó quanh nhà tất cả còn y nguyên, sạch bóng, nhưng thật yên ắng. Tôi đi thật nhẹ tới bên cửa sổ, ngó ra ngoài mái hiên, không thấy cái hồ cá đâu, cái Phong Linh cũng biến mất, mấy chậu cây cũng không còn hiện hữu. Tôi quay lại, tất cả bỗng dưng cũng biến mất, tôi thấy mình chìm vào một nơi tối đen…thật tối đen!


Hoàngdungdc