Wednesday, August 28, 2019

Lại Nằm Mơ

The 16th Avenue Tiled Step San Francisco (pic HD)


           Tôi thường hay nằm mơ, những giấc mơ thật đẹp nhưng cũng có khi lại là ác mộng, khi tỉnh dậy thường là quên sạch, thỉnh thoảng nó mới ở lại cùng tôi. Và tôi đem kể lại cho mọi người cùng... nghe.

Hôm qua tôi lại nằm mơ, thoạt tiên tôi thấy từ bàn tay của mình rơi ra mấy đồng quarter (chắc là tại mấy hôm trước tôi cứ nắm khư khư trong tay mấy đồng bạc cắc để  đi xe bus, xuống China town ở San Francisco để thăm anh Hai Cường của tôi, cho nên chúng nó đã theo cả vào trong giấc mơ của tôi)  rồi từ trong bàn tay của tôi cứ thế mà tuôn ra ào ạt cả trăm rồi cả ngàn đồng bạc cắc. Tiếng reo của mấy đồng bạc cắc ồ ạt chen chúc nghe thật vui tai, y như những cái slot machine ở mấy cái Casino ngày xưa vậy. Ngày xưa là vì ngày nay máy không nhả tiền ra inh ỏi như trước nữa, thắng hay thua chỉ hiện lên trên màn hình của máy mà thôi.

Giật mình thức dậy tôi vẫn nhớ y nguyên tiếng reo của mấy đồng bạc cắc, tôi vui vẻ kể cho ông chồng tôi nghe.
-        Anh ơi, chắc em sắp giầu to rồi vì em nằm mơ thấy từ trong bàn tay của em đổ ra biết bao nhiều là tiền, tiền ơi là tiền, nhiều ơi là nhiều.
Ông chồng tôi phán:
-        Sao mà gọi là giầu cho được, tiền đổ ra chứ có đổ vô đâu mà ham. Lo “book” vé máy bay về mà sửa nhà sửa cửa đi kia kìa. Tủ lạnh bị bể ống nước, nhà dột cột xiêu hết cả rồi kìa!
Nghe thật mất cả hứng, mà ông chồng tôi nói cũng đúng. Năm nay tôi bị “Sao Quả Tạ” chiếu hay sao mà tiền trong nhà cứ tuôn ra như nước. Trước tiên là gặp nạn với cái ông bác sĩ soi ruột.

Sẵn đây tôi cũng xin chia sẻ với các bạn về vấn đề quyền lợi khi sử dụng bảo hiểm sức khoẻ (Health Insurance). Dành cho bạn nào chưa biết để rút kinh nghiệm, không thì sẽ bị hố nặng như tôi.
Thông thường hằng năm, bảo hiểm nào cũng đồng ý chi trả cho chúng ta khám tổng quát gọi là Wellness Exam. Nếu mọi chuyện ổn thì thôi, chúng ta sẽ không hao tốn đồng nào. Nhưng chẳng may, bác sĩ khám phá ra bệnh tật gì đó, thì khi chạy chửa hao tốn bao nhiều thì chúng ta phải chi trả phần “Deductible” rồi sau đó bảo hiểm mới trả.

Phần deductible là do chính chúng ta chọn lựa khi quyết định mua bảo hiểm loại nào, ít nhiều tùy vào số tiền chúng ta đóng hàng tháng.
Deductible có thể từ 100.00 dollars lên đến 10,000.00 dollars.

Lần này ngoài khám tổng quát thông thường, bác sĩ gia đình còn gởi tôi đi soi ruột dựa theo quyền lợi “Preventive exam” (ngừa bệnh).
Soi ruột gồm có hai phần. Phần một hẹn gặp bác sĩ để ông ta hỏi về medical history (tình sử sức khoẻ) rồi cho toa thuốc sổ, uống để chuẩn bị soi ruột. Phần 2 là hẹn ngày soi ruột, trong khi soi ruột nếu khám phá ra có gì trục trặc thì sẽ bàn tới vấn đề chạy chửa, còn không hoặc có vài cái polyp nào (thịt dư mọc vô tội vạ) thì ổng sẽ cắt bỏ, đồng thời gởi đi phòng thí nghiệm xem có gì khác thường không, nếu không thì vui vẻ hẹn lại vài ba năm sau. Và sẽ không hao tốn đồng nào.
Trường hợp của tôi bị hố là khi bác sĩ hỏi tôi:
-         Hổm rày bà “đi ngoài” có gì lạ không?
Tôi thành thật trả lời:
-        Dạ mấy tháng trước, tôi đi ngoài có thấy một chút máu tươi. (thật ra máu tươi ra nhiều mà không biết tại sao, nhưng cũng vài ba lần rồi ngừng, không hiểu sao tôi lại nói bớt đi với bác sĩ)
Chính ra vì loại bảo hiểm của tôi (Cigna) phải có giấy giới thiệu (referral) của bác sĩ gia đình, và hình như trong ấy bác sĩ gia đình của tôi có nhắc đến là tôi đã từng “đi ngoài” có ra máu. Cho nên ông bác sĩ này mới đặt câu hỏi như thế.
Vậy rồi, qua hai cuộc hẹn với bác sĩ, trải qua quá trình soi ruột ngừa bệnh, cắt đi vài ba cái polyp, gởi chúng đi phòng thí nghiệm xem có gì lạ không? Sau khi có kết quả là tốt, ông bác sĩ chúc mừng tôi là không bị ung thư. Hẹn vài ba năm nữa.
Vậy mà một vài tháng sau tôi nhận được hai cái bills của văn phòng bác sĩ lên tới hơn ba ngàn dollars. Gọi hỏi văn phòng bác sĩ “cái gì kỳ zậy” thì được cho biết là vì tôi khai với bác sĩ, tôi đi ngoài bị chảy máu nên bác sĩ đã phải khám với “tâm trạng” tìm kiếm bệnh chứ không phải là ngừa bệnh, cho nên...
Có lẻ là vì bác sĩ khám cẩn thận hơn chăng!
Gọi hỏi, khiếu nại tứ tung, thì được khuyên khéo rằng, lần sau khôn hồn thì đừng khai gì cả, cứ nói với bác sĩ là “tôi rất tốt, chẳng bị gì cả, chỉ đi soi ruột cho vui thôi” hì..hì...
Cho nên... thì... là... mà phải chịu thôi, tôi phải tự trả hai cái bills đó vì deductible của tôi do tôi tự chọn lên tới 7000.00 dollars. Năm nay tôi cũng đã chi trả gần đủ con số rồi đấy hu..hu... Vả lại năm nay tôi đi khám tổng quát, bác sĩ cho biết  tôi đã đi tới giai đoạn ba của cuộc đời rồi, là “Bệnh” đấy mà. Sinh Lão Bệnh Tử mà lại. Cũng ba cao một thấp như người ta, vui vẻ chấp nhận thôi. (ba cao: cao máu, cao mỡ, cao đường, một thấp... khớp)
Bù lại năm nay chúng tôi được chào đón đứa cháu ngoại trai đầu tiên, cháu được đặt tên Việt Nam là Quang Duy. Dễ thương quá chừng.

Cháu ngoại Quang Duy được 3 ngày

Cô con gái út của chúng tôi lại lấy chồng xa ở tuốt bên San Francisco, nên hai vợ chồng tôi phải khăn gói quả mướp từ VA qua tít bên ấy. Cô út cho biết ngày sanh (due date) sẽ vào cuối tháng 7.  Để cho chắc ăn chúng tôi quyết định đi sớm hai tuần, không ngờ lại trúng phóc. Cô út đã sanh sớm hai tuần, khi sanh hơi gặp khó khăn, điểm này giống tôi, vì tôi sanh đẻ không dễ dàng chút nào. Chúng tôi dự định sanh 12 đứa mà đành phải ngừng ở lần thứ tư. Sẩy thai một lần, còn lại ba nàng công chúa. Con gái út của tôi đã may mắn có ông Trời phù hộ nên Mẹ Tròn Con Vuông. Thật cảm ơn ông Trời.
Ôm đứa cháu trai trong lòng, nhìn ngắm nó mà cảm thấy sao đấng tạo hóa huyền diệu thế nhỉ. Con gái út của tôi nói:
-        Con vẫn chưa thể tin rằng, từ trong người của con lại chui ra một sinh mạng tuyệt diệu như thế này thật là Miracle mẹ ạ.

Quang Duy và mẹ được 6 tuần

Tôi ôm thằng cháu ngoại vào lòng ru hời:
-        À...ơi...Chim đa đa đậu nhánh đa đa, chồng gần sao con không lấy mà lấy chồng xa.
Mai đây cha yếu mẹ già, chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng!

Ru cháu mà nghẹn cả lời, ứa cả nước mắt. Nhớ lại  ngày xưa lúc tôi sanh nở ở xa quê nhà, xa cha xa mẹ, chỉ có hai vợ chồng son ngu ngơ chẳng biết gì. Đầu óc lúc nào cũng lo toan đủ điều, nào là cho gia đình nhỏ bé của mình, nào là cho hai bên nội ngoại còn kẹt lại bên nhà.
Lúc đau đẻ trong đơn lẻ (ông chồng của tôi sợ quá, không giám đặt chân vào phòng sanh) tôi chỉ nhớ tới mẹ của tôi, miệng cứ gào ầm lên “ Má ơi, má ơi...” 
Cô y tá người Mỹ đứng bên cạnh chăm sóc cho tôi, sợ cô ta không hiểu tôi nói gì, tôi bấu chặt lấy cô, nước mắt lưng tròng, miệng mếu máo: “mommy, mommy...”, nghĩ lại thật buồn... cười.
Thật sự lúc đó và cả những lúc sau này, lúc nào chúng tôi cũng bận rộn với “cơm áo gạo tiền” còn tâm trí đâu mà nghĩ đến sự huyền diệu của đấng tạo hóa nữa cơ chứ.

Lúc này thì đã về hưu rảnh rỗi, tôi ngồi ôm thằng cháu ngoại đỏ hỏn còn trong tháng, nhìn ngắm nó mãi mà không chán và cảm thấy nó nặng dần lên từng ngày. Thằng bé mới chỉ được mấy tuần, vậy mà cứ mở mắt thật to nhìn tôi đăm đăm, lâu lâu nhíu mày ra vẻ nghĩ ngợi rồi nhoẻn miệng cười. Lòng tôi cứ rộn lên niềm vui sướng, và cảm thấy đấng tạo hóa sao tuyệt diệu quá chừng.

San francisco Park (pic HD)

Chúng tôi ở San Francisco đợi cháu ngoại đầy tháng, cho nên có thì giờ đi thăm thú khắp nơi bằng xe bus. Ông chồng tôi chỉ tốn có 1.50 xu (senior rate) tôi thì vì còn...trẻ nên tốn tới 3.00 dollars.  Bỏ tiền vào, máy sẽ nhả ra cái thẻ có thể sử dụng trong vòng 2 tiếng đồng hồ, muốn đổi tuyến đường nào cũng được. Sau 2 tiếng muốn đi tiếp thì mua thêm cái thẻ mới, thật tiện lợi.
Nếu chọn đi xe hơi thì hơi bất tiện, nội kiếm chỗ đậu xe không cũng đủ mất rất nhiều thì giờ, lại còn phải trả tiền đậu nữa chứ.
Tôi lại được dịp đi thăm anh hai Cường của tôi, người anh cả bị thất lạc hơn bảy mươi năm, chúng tôi vừa tìm lại được. (anh là người đã gây cảm hứng cho tôi thực hiện tác phẩm Những Kẻ Lạc Loài mà tôi mới giới thiệu tới quý độc giả hôm tháng Tư, 2019)
Vợ anh hai Cường nói:
-        Nè bây giờ anh đã có anh chị em bà con đông đủ rồi đấy nha, vui chưa.
Chị quay qua nói với tôi:
-         Hồi đó anh hai cứ than là không có bà con giòng họ gì hết, cả đời chỉ có một thân một mình, nghĩ cũng tội nghiệp.
Còn vợ, con trai con gái dâu rể cháu chắt đầy đàn thì anh không kể, vẫn cứ cảm thấy bơ vơ lạc lõng một mình. Sao kỳ vậy ta!


Trong thời gian này lại được chị Đỗ Dung tổ chức buổi họp mặt nhóm Minh Châu Trời Đông ở nhà chị Minh Thúy (người được giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2019 của Báo Người Việt) Ông xã chị Minh Thúy là anh Lộc thì khỏi chê anh rất niềm nở hiếu khách. Tôi từ San Francisco lái xe tới Hayward nhà chị Minh Thúy hơn 1 tiếng đồng hồ, tới nơi đúng lúc anh Lộc rời nhà ra bến xe đón chị Kim Phú.

Chị Kim Phú ở El Cerrito cách nhà chị Minh Thúy khoảng hơn 30 phút lái xe, tối hôm đó vì thương chị quá nên tôi đã tình nguyện đưa chị về, mặc dù đường xá lạ lẫm, xa lộ ngoẳn ngoèo, lạc tới lạc lui, vì tôi không phải là dân thổ địa ở đây, nhưng không hề gì, vì tôi thấy bận đi chị đã phải tay xách, nách mang bao nhiêu là món ngon do chính tay chị hì hục nấu, và phải di chuyển lên xuống đến hai chuyến xe công cộng và anh Lộc phải ra tận bến xe đón chị về. Vậy thì tối khuya chị làm sao trở về bằng ngần ấy chuyến xe, lại còn nguy hiểm nữa chứ, thiệt là hết nói. 
Tới nơi chị còn bị chị Minh Thúy mắng cho một trận bằng giọng huế thật “dệ thương”:

-        Đạ nọi rồi mà khôn nghe, di chuyện khọ khăn mà còn lệ mệ mang đụ thứ, MT đạ nậu nhiều món lắm rồi...bla...bla...
Quả đúng như thế, trên bàn ngoài phòng ăn, trong bếp, thức ăn bày la liệt đủ các thứ món mặn ngọt. Thật là đẹp mắt lại ngon miệng, thôi không kể ra đâu sợ bạn đọc thèm. Đã thế chị Phương Hoa là một trong những “tổ sư” thơ Đường của MCTĐ, chị đã nấu sôi lá Cẩm mang đến đãi mọi người, ăn vào “ngậm mà nghe”. Còn chị Đỗ Dung và ông xã Thọ của chị nữa chứ, hai anh chị khệ nệ bưng một mâm to miến sào cua nóng hổi, ngon “bá cháy” lại còn cộng thêm cái bình dưỡng khí cho chị Đỗ Dung thở, thật không còn gì để nói. Cứ nhớ mãi ánh mắt của chị Kim Phú khi tôi đưa chị về, chị cứ quyến luyến đứng ngó theo không chịu vào nhà.
Tất cả đã đón tiếp tôi như một Hoàng... Phi. 


Hoàng hậu cây cười cù lộn ruột
Dung phi ngòi bút xoáy tâm can
(Thư pháp Đỗ Dung thơ Phương Hoa)

Thế là chúng tôi đã ăn uống no say, ca hát, cười nói vang trời. Phần tôi thì chỉ có thể đáp lễ lại bằng những câu chuyện chọc cười...bể bụng mà thôi. Hai người thưởng thức chuyện cười của tôi đầy thích thú nhất có lẻ là hai anh xã của hai chị anh Thọ và anh Lộc. Lần sau nhớ rủ thêm anh “Phước” chồng của chị nào đó cho đủ bộ Phước Lộc Thọ nha mấy chị. Chỉ tiếc là tôi đã không sắp xếp được để đi “Giang Hồ” với các chị để cùng tham dự giải thưởng Việt Báo 2019 ở Santa Ana. Có đến hai chị nhà mình đoạt giải là chị Minh Thúy và chị Ngọc Hạnh. Bây giờ nằm tiếc hùi hụi khi đọc bài tường thuật Suôi Nam CA của chị Kim Phú.
Còn chị Lê Diễm và anh Sơn thì đưa chúng tôi đi Sacramento thăm anh chị Tô Ngọc chủ bút Chính Văn Magazine...chị Amy Ngọc giám đốc TRUHERBUSA, INC. đã tổ chức một buổi gặp gỡ bạn bè ăn nhậu, ca hát thật vui. Ngủ lại nhà anh chị Tô Ngọc một đêm, ngày hôm sau cùng mấy anh chị trực chỉ Lake Tahoe cảnh đẹp tuyệt vời. 

Lake Tahoe bay (pic HD)

Tối lại được ngủ ở Đỗ Gia Trang, chủ nhân là gia đình chị Đỗ Dung của MCTĐ. Chỗ này phong cảnh thật lý tưởng, cách xa North Lake Tahoe khoảng một tiếng đồng hồ. Phòng ốc sức chứa có thể lên tới năm sáu chục người. Hôm đó bà con của chị Nhung, Trưng Vương từ bên Úc cùng bà con xa gần khắp nơi trên thế giới về tụ họp gia đình trong ba ngày. Hội họp ăn uống lên đến cả 100 người, nhưng tối lại thì một số người tản mát ra các Casino hay khách sạn để hưởng không gian tuyệt vời của Lake Tahoe.

Đi hai ngày mà nhớ cháu ngoại quá, trở về thôi. Về tới nhà thì nghe cô con gái lớn ở VA gọi:
-        Bố mẹ ơi, nguy rồi basement của bố mẹ bị ngập nước, cái ống nước của cái tủ lạnh bị bể hồi nào không biết, xịt nước tung tóe, cái trần dưới basement bi ướt nhẹp rớt xuống tơi tả, sofa, bàn ghế, thảm trong thảm ngoài, nhà cửa mốc meo hết cả lên rồi...bla...bla...
Thế có khổ không cơ chứ...Nhớ tháng trước khi còn ở nhà đã phát giác ra là ống nước bị bể, thảm cũng đã ướt nhem. Nhưng ông chồng tôi đã tự sửa, tự dọn dẹp, lau chùi, hút nước làm khô thảm và ra vẻ tự hào là mình “handyman” lắm. Tôi có nhắc là nên thay ống nước mới, vì lâu ngày phải hư thôi (wear and tear mà). Nhưng chàng ta gạt phắt đi:
-        Đàn bà biết gì mà nói, chuyện đàn ông để đàn ông lo.
Đấy lo đấy, cứ để cho các ông lo thì càng to chuyện. May mà có bảo hiểm nhà chi trả cho phần nào, nhưng mà mất thì giờ và nhiêu khê lắm. Vậy mai mốt có đi đâu xa nhà lâu ngày, các bạn nên cẩn thận chuyện điện nước củi lửa. Có người đi chơi xa lâu ngày về, không thấy nhà mình đâu tưởng đi lạc, không ngờ nhà đã bị cháy rụi.
-        Anh nè, chuyện dĩ lỡ rồi, mình cũng không làm gì được, để cho nhỏ con nó lo, nó nay cũng đã lớn rồi, để nó take care xem thử ra sao. Mình đã hứa ở đây cho đến thằng bé đầy tháng. Chúng ta sẽ không được nghĩ đến, nói đến, nhắc đến, cho đến khi về tới nhà. 
Nói hú họa, không ngờ ông chồng tôi lại đồng ý cái rụp, suốt mấy tuần còn lại không nói một câu về vấn nạn nhà cửa, chắc nghĩ một phần là lỗi của chàng ta. Tôi nói thêm vài câu an ủi.
-        Cũng nhờ như vậy mà mình có dịp trang hoàng lại cái studio cho mới mẻ, ngày xưa mình sơn màu xanh cho vui mắt vì mấy đứa nhỏ. Kỳ này mình sẽ dùng màu và trang hoàng táo bạo hơn nhé.
Chàng ta ậm ừ không nói gì. Tôi lại nghĩ, ở dưới đó là giang san ca hát chơi đàn của chàng ta, lý nào mình lại làm theo ý mình, phải biết điều tí chút chứ.
-        Thật ra anh thích màu gì?
-        Anh vẫn thích màu xanh, và anh cũng vẫn thích bộ sofa trắng đó vì nó rất hợp với khoảng không gian của cái studio nhà  mình. (chàng ta vốn là người không thích thay đổi, không thích mới lạ, nhờ vậy mà không nhòm ngó thêm em nào nữa chăng?
-        Em sẽ cố tìm ra bộ sofa mới thích hợp với ý thích của anh và sẽ sơn màu anh thích, chịu không!
Chàng ta chịu quá đi chứ lị, suốt mấy chục năm tôi luôn luôn làm theo ý chàng ta, mặc dù rất khác với ý thích của tôi. Thật ra chàng ta chẳng có idea gì cả mà lại vẫn không thích idea của tôi, thế có khổ không cơ chứ. Thế là “nhất trí” không nói tới, còn lại mấy tuần lo ôm cháu, nấu ăn cho bà mẹ trẻ, đi thăm bạn bè.

Lại chị Lê Diễm rủ rê, ca hát hội ngộ các văn nghệ sĩ vùng San Jose, vui thật là vui. Gặp lại anh Hùng chị Hạnh mừng quá, cứ nhớ mãi kỳ trước cách đây nhiều năm hai anh chị cùng chị Lê Diễm đã đưa tôi đi nhìn ngắm danh lam thắng cảnh cùng khắp.
Mấy ngày sau anh chị mời chúng tôi tới nhà ăn cá hấp chấm mắm nêm, nhưng chúng tôi còn ít thời gian quá nên đành hẹn dịp khác.
Tối hôm ở nhà chị Lê Diễm như buổi “ Đại Hội Anh Hùng” trong phim kiếm hiệp của Kim Dung. Đã xuất hiện rất nhiều anh tài của Bắc Cali. Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ ... “you name it” chị Diễm nói:
-         Đó là chỉ mới sơ sơ thôi, nhiều người không đến được vì rủ họ last minute mà.
Ôi thôi, kể hết ra đây thì bài này đến bao giờ mới chấm dứt đây.
Ca hát, cười nói ăn uống cả đêm, trễ quá rồi chúng tôi phải ngủ lại nhà chị Diễm. Ngày hôm sau cảm thấy chưa đã hay sao đó chị Diễm lại rủ rê mọi người đi uống cà phê. Người gây ấn tượng cho tôi nhất là anh Hưng. Anh đúng là một ông...Tây, giáng vẻ của anh hơi ốm một chút nhưng mặt mủi nhìn rất  Tây, hát những bài hát tiếng Tây hay hơn...Tây, galant dành trả tiền nhà hàng càng rất...Tây, nói năng thơ phú cũng Tây. Nhưng... sau khi tôi nói chuyện với anh một hồi thì theo tôi nghĩ, quan niệm sống và cuộc sống khép kín của anh thì có vẻ hơi...Tàu  ha....ha... Không biết anh Hưng có ghét hay bực mình tôi không, vì tôi cảm thấy thân quen nên đã trêu ghẹo anh hơi quá mức. Anh nói gì tôi cũng phản biện, khiến đôi khi anh...cứng họng, chịu thua, chính anh đã nói:
-        Cô nói thế thì tôi thua !!!!
Ngoài ra chúng tôi có một chút thắc mắc là hồi còn ở bên Tây, mỗi năm anh Hưng đã nhận được bao nhiều Euros ha..ha..
Viết tới đây, tôi lại phải kể một câu chuyện tiếu lâm thì các bạn mới hiểu tại sao tôi lại hỏi anh Hưng như thế!
Đại khái là có một ông cải nhau với vợ...thua, nên giận quá khăn gói quả mướp đòi dọn qua bên Tây ở. Trước khi đi ông còn dằn mặt bà vợ:
-        Tôi nói cho bà biết, ở bên Tây mỗi lần ăn nằm với đàn bà, mấy ông còn được tặng 20 Euros cơ đấy.
Bà vợ nghe như vậy, mới chống tay vào cạnh sườn, trợn mắt nói với ông chồng:
-        Để tôi chống mắt lên xem, ông làm sao sống với 40 Euros một năm. ( Xuân Thu nhị kỳ)
Anh Hưng nhớ cho biết nha ha...ha...

Chúng tôi lại còn hân hạnh được gặp nhạc sĩ Linh Phương. Ông có những sáng tác rất hay và đã đàn hát cho chúng tôi nghe những nhạc phẩm của ông rất tuyệt vời. Nhưng hay nhất vẫn là óc nhận xét của ông về tôi.  Ông ấy cứ luôn mồm khen tôi rằng:
-        Trong lúc kể chuyện HD đã có những phản ứng rất thông mình và nhạy bén, điều gì bất ngờ xảy ra hay có ai đề cập tới bất cứ vấn đề gì, cô cũng có thể có ngay câu chuyện để nói. Cung cách này rất thích hợp làm MCs.
Ông nói đúng quá xá chời luôn, chẳng qua là hôm qua ông đã thưởng thức tài nghệ kể chuyện tiếu lâm của tôi mà lại. Tôi vẫn  chỉ có một “chiêu” là đáp lễ bằng những câu chuyện chọc cười thiên hạ.
Sắp tới ngày về, ông chồng tôi mới chịu đi thăm anh Quang ở San Jose người bạn truyền hình năm xưa, lại gặp thêm được chị Én cũng là nhân viên đài truyền hình Sàigon băng tần số 9, đã gần 50 năm rồi mới gặp lại. Ăn uống ca hát, kể chuyện xưa của mấy chục năm trước, đã cùng làm việc vui như thế nào. Buổi họp mặt không tính trước nhưng vui thật là vui. Vui nhất có lẻ là chị Én, có đúng không chị Én.
Anh Quang bỗng hỏi:
-        Dung có mang theo sách ra mắt hôm nọ không?
-        Ủa sao anh biết?
-        Sao lại không biết!
-        Ai có ngờ anh Quang cũng quan tâm tới buổi ra mắt sách, làm Dung thật vui quá, thôi để về HD gởi qua vậy.
Chị Én nghe nói, cũng quá giang:
-        Gởi cho tôi nữa nha.
-        HD có 4 cuốn, chị muốn cuốn nào?
-        Gởi hết cả 4 đi, nhận được sẽ gởi check qua.
Chị Mai người miền Nam, vợ anh Quang hỏi:
-        Nhiêu?
Tôi ú ớ, không hiểu sao ngượng mồm quá, nhưng cũng phải nói:
-        Dạ discount sáu chục.
Nghe xong chị vào buồng lấy tiền đưa cho tôi, không hiểu sao tôi ngượng quá, không giám lấy lại nói:
-        Thôi em gởi tặng mà.
Chị Én chen vào:
-        Thôi, sách vở mà nói chuyện tiền bạc nghe sao được, để mua cái gì đó tặng HD.
Nghe chị Én nói vậy, tôi liền phản đối và với tay lấy tiền.
-        Nếu mấy chị dùng số tiền đó để mua cái gì tặng HD thì em xin nhận tiền, vì em đang vốn cần tiền để in thêm bộ khác hi..hi...
Thú thật hổm giờ tất cả tiền bán sách và tiền các bạn bè thân nhân tặng, em hỏng giám đụng tới, để tất cả vào một cái hộp thật đẹp, mỗi ngày mang ra ngắm và tâng tiu rồi tự nhủ: Sao mình hay quá zậy ta, tài viết lách của mình mà cũng đẻ ra tiền hì...hì...
Nói xong sợ mấy anh chị nghĩ mình ba xạo, bèn lấy mấy tấm hình chụp cái hộp tiền và những tấm check trong cell ra cho anh chị coi hi..hi..


Trở về VA, bạn bè hỏi:
-        HD đi tứ tung, bạn bè ở khắp nơi có dự định giúp HD tổ chức ra mắt sách đó đây không?
Bà suôi của bà suôi của tôi là người Tàu ở San Francisco nghe tin tôi Ra Mắt Sách cũng hỏi:
-        You có dự định tổ chức Book Tours không?
Không hiểu sao tôi vẫn chưa quen với ba cái chuyện giới thiệu sách và bán sách của mình. Vẫn cứ cảm thấy ngượng ngùng làm sao! Cố gắng lắm, hay thân lắm mới giám gạ người ta mua sách của mình. Hôm nọ mới đi dự kỷ niệm Tạp chí Cỏ Thơm, gạ được mấy người bạn mua ủng hộ sách. Mùa Hè bận rộn con cháu bạn bè, không biết nhạc sĩ Nguyễn Tuấn ở Pennsylvia có thì giờ đọc không? Mà thấy êm ru bà rù hì...hì...

Chị Minh ở Maryland thương tôi vô cùng. Chị gọi cho tôi:
-        Hoàng Dung có muốn ra mắt sách ở Houston không? Chị sẽ giúp cho. Ở đó chị quen thân rất nhiều nhóm, người ta quý chị lắm, chị lên tiếng là có khối người vui lòng tiếp tay tổ chức buổi ra mắt sách cho em.
Tôi nghe mà lòng dạt dào sung sướng, nhưng “thần hồn nát thần tính” ngại ngùng vô cùng, không có can đảm nhận lời.
-        Dạ em cảm ơn chị Minh rất nhiều, để em nghĩ xem khi nào thuận tiện thì nhờ chị nhé.
Còn ông chồng tôi còn tệ hơn một bực, đem sách đi tặng ai, người ta đòi ủng hộ thì chàng ta lại nói:
-        Ôi!  ăn thua gì.
Thế là họ để cho ông chồng tôi về ăn thua... đủ với tôi.
-        Sao mấy người bạn của anh có ủng hộ em không?
-        Người ta có đòi ủng hộ, nhưng anh ngượng quá nói “ôi, ăn thua gì” vậy là họ lờ luôn.
Chắc người ta cũng ngại vì nghĩ mình không cần tiền, mình là... Dân Chơi Không Sợ Mưa Rơi* mà... hi..hi...(*những câu nói trong nước của bọn trẻ)
-        Úi chời, thế thì tiền đâu mà in bộ khác chứ.
-        Thì đừng in nữa.
-        Vậy là “sự nghiệp” của em sẽ đi vào ngõ hẻm hay sao?
-        Thì ai biết làm sao, ráng mà chịu vậy, thôi để anh nhịn ăn nhịn mặc cho em tiền retire của anh, để em in sách vậy!
-        Nói nghe thảm quá, thôi để em nghĩ cách vậy.
-        Cách gì?
-        Thì đang nghĩ mà lại, bất quá “nghỉ chơi” luôn chứ sao!
-        Ủa chứ em không tìm ra được một nhà “tài trợ” nào sao?
-        Có chứ, thiếu gì... chỉ có điều họ...không có tiền ha..ha...

Anh Long nói:
-        Cái gì để qua khỏi 49 ngày là nó sẽ đi vào quên lãng.
Chuyện mấy cuốn sách của tôi, kể từ ngày ra mắt sách hôm mùng 7 tháng Tư, 2019 thành công rực rỡ, cho đến hôm nay đã qua khỏi hai ba cái 49 ngày rồi. Cũng đã có rất nhiều anh chị ở xa gần email về mua ủng hộ, tôi đã gởi sách đi tứ tung. Nhưng vẫn còn một số sách khá khá đang nằm trong garage chờ tôi nghĩ cách...trước khi in bộ mới...làm sao đây ta! Các bạn nghĩ dùm với nha.
Thôi để hạ hồi phân giải. Bây giờ phải lo trả mấy cái bills của ông bác sĩ “ác ôn” và sửa lại cái basement kẻo “nhà dột cột xiêu” thì càng đổ nợ.
Nhớ cháu ngoại quá...

Hoàngdungdc   8/28/2019